1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng thanh tra giải trình vụ Lương Cao Khải

(Dân trí) - “Tôi không hiểu Lương Cao Khải có nói là nhờ chạy tội không? Nếu nói hối lộ, phải xem việc đưa, nhận đã hoàn thành chưa? Nếu nộp lại tiền thì đây là tố cáo hay tự thú?”... Trước Quốc hội sáng nay, Tổng thanh tra Chính phủ liên tục đối mặt với các câu hỏi về chuyện ông nhận tiền của Lương Cao Khải.

Nếu trong sáng sao không hành xử theo pháp luật?

 

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) mở màn phiên chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ bằng câu hỏi về vấn đề đã rất “ầm ĩ” trên báo chí thời gian qua, đó là việc Tổng thanh tra nhận 110 triệu từ Trưởng đoàn thanh tra vụ Kho cảng Thị Vải Lương Cao Khải: “Nội dung giải trình của Tổng thanh tra chưa phù hợp với thông tin báo chí nêu? Là người công tác lâu năm trong ngành pháp luật, nắm rõ qui định về xử lý tội phạm, liệu vụ việc đã được xử lý đúng qui định của Bộ luật tố tụng hình sự là tố giác tội phạm phải chuyển ngay cho cơ quan điều tra hay chưa?”.

 

Ông Thanh giải thích rằng, tháng 9/2005 được nghe báo cáo về sai phạm của đoàn Thanh tra Chính phủ tại Tổng công ty dầu khí do Lương Cao khải làm trưởng đoàn. Một tuần sau, Lương Cao Khải đến đưa tiền với lý do biếu để bồi dưỡng sức khỏe, tổng số là 3 lần (110 triệu đồng). “Tôi đã báo cáo với đồng chí Trương Vĩnh Trọng rằng đây là tiền chạy tội, vì vụ án đang điều tra nên đề nghị cho gửi lại và khi vụ án được làm rõ sẽ nộp cơ quan điều tra”. Việc tôi báo cáo với đồng chí Trương Vĩnh Trọng tôi cho là mình làm đúng. Tôi trung thực và trong sáng, trước QH tôi khẳng định mình trong sáng.

 

Chưa thỏa mãn, đại biểu Lê Thị Nga và đại biểu Trần Viết Quốc (Quảng Trị) gay gắt: Tại sao không hành xử theo pháp luật mà lại nhờ đến Ban Nội chính Trung ương, cán cân công lý của Thanh tra ở đâu?

 

Theo ông Thanh, việc không đưa tiền cho cơ quan tố tụng là do kinh nghiệm nhiều năm tại ban Nội chính Trung ương, sợ rằng nếu không giữ bí mật sẽ ảnh hưởng đến điều tra. Sau khi báo cáo, ông Trương Vĩnh Trọng (Trưởng ban Nội chính Trung ương) cũng đồng ý như vậy. “Tôi không có ý định chiếm đoạt số tiền này”, ông Thanh tái khẳng định.

 

Nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ khác, đại biểu Trần Ngọc Đường hỏi: “Cả hai báo cáo về việc bỏ quên cặp của Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và vụ đưa tiền hối lộ ở Thanh tra chính phủ đều thấy viện dẫn văn bản của cơ quan Đảng mà không thấy có “bóng dáng” văn bản của cơ quan hay cá nhân quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Tại sao như vậy? Liệu có phải là dựa dẫm, ỉ lại vào Đảng hay không?

 

Ông Thanh cho rằng, sau khi sự việc xảy ra đã giải trình với UB kiểm tra TƯ nên gửi kèm báo cáo đó: “Chắc là do liên quan đến cán bộ do Bộ Chính trị quản lý”.

 

Không chấp nhận kiểu “ỉ lại”, Chủ tịch Nguyễn Văn An lên tiếng: Tôi phải nói nếu không sẽ oan Đảng. Việc báo cáo với Đảng là trách nhiệm của đảng viên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là không phải báo cáo với Chính phủ, với QH. Việc báo cáo với Đảng là đúng nhưng thủ trưởng cơ quan hành chính (mà Thanh tra chính phủ trước hết cũng là cơ quan hành chính) không chấp hành đúng qui định về thủ tục hành chính là sai. Việc xảy ra ở Thanh tra chính phủ phải được kết luận bằng văn bản hành chính. Vụ này rất bình thường, không có gì bí mật cả. Các cơ quan Nhà nước đừng kéo ban Đảng vào sự việc để đùn đẩy trách nhiệm.

 

Chủ tịch Nguyễn Văn An đã chốt lại vấn đề vụ án hối lộ tại Thanh tra Chính phủ bằng những câu hỏi khá sắc sảo: Tôi không hiểu Lương Cao Khải có nói là nhờ chạy tội không? Người ta biếu anh nhưng anh lại suy đoán là có tội. Không thể đưa tiền là ngay lập tức kết tội họ. Nếu nói hối lộ, phải xem việc đưa đã hoàn thành chưa, việc nhận đã hoàn thành chưa? Nếu chưa nhận thì lấy đâu mà nộp, nếu nộp thì đây là tố cáo hay tự thú? Cái này phải cơ quan tư pháp phải làm kỹ. Rồi số lần nhận, thời gian nộp, khoảng thời gian giữa các lần đưa và nhận nói lên điều gì? Các cơ quan nhà nước phải đi vào cụ thể.

 

Ở đây thiếu những viện dẫn của cơ quan có trách nhiệm quản lý nhà nước. Cái này nếu không làm tốt thì không có sức thuyết phục với xã hội, người ta có thể bỏ qua,  không hỏi nữa nhưng hậu quả sẽ rất nguy hiểm. Không hỏi nữa không có nghĩa là mình đúng.

 

Thanh tra nhiều lần không phát hiện tiêu cực, vì sao?

 

Chất lượng đội ngũ thanh tra quá kém hay do tiêu cực làm tha hóa đội ngũ này? Đại biểu Dương Thu Hương (Hà Nam) đã đề nghị làm rõ vấn đề trên.

 

Trở lại việc nhầm lẫn trong báo cáo của thanh tra về số tiền thất thoát trong vụ kho cảng Thị Vải, đại biểu Dương Thu Hương đặt hàng loạt câu hỏi : “Sao nhầm lẫn nhiều thế, nhầm lẫn đến 2 lần và lại nhầm từ nhiều xuống ít, sao không nhầm nhiều lên? Sao lại có sự nhầm lẫn kỳ là đến vậy?”.

 

Vấn đề rất nghiêm trọng này, lại xuất phát từ nguyên nhân rất “đơn giản”: Việc nhầm lẫn không nhằm thay đổi bản chất vấn đề mà chỉ là sự cẩu thả khi thể hiện con số, Tổng thanh tra giải thích.

 

Đại biểu Lê Thị Nga (Thanh Hóa) đặt vấn đề về những sai phạm kéo dài tại Tổng công ty hàng không Việt Nam, có hay không sự bao che của thanh tra?

 

“Chỉ có 7 lần thanh tra Tổng công ty hàng không, 4 lần của nhiệm kỳ trước, 3 lần chúng tôi vào kiểm tra thì 1 vụ đã chuyển cơ quan điều tra, 2 vụ đang tiếp tục thanh tra, chúng tôi sẽ làm khách quan và đúng mức”, ông Thanh khẳng định. “Nếu có bao che thì không có chuyện chuyển sự việc cho cơ quan điều tra, những vụ việc đang thanh tra (mua động cơ máy bay, chi công tác phí quá tiêu chuẩn…) chắc chắn không có bao che.

 

Trả lời đại biểu Nguyễn Xuân Hướng về tình trạng cán bộ đòi hối lộ của đối tượng thanh tra để làm sai lệch kết luận thanh tra, ông Thanh công nhận có sự suy thoái phẩm chất trong đội ngũ thanh tra, điển hình là vụ thanh tra Tổng công ty dầu khí do Lương Cao Khải làm trưởng đoàn. Tổng thanh tra cho biết đã có những sửa đổi trong Luật Thanh tra để ngăn chặn trạng này.

 

Sau Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung tiếp nối đăng đàn trả lời chất vấn.

 

Đức Hòa