Trao quyền “tự xử”.. . án oan sai

(Dân trí) - Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có thể xét lại chính các quyết định của mình, hủy án đã có hiệu lực của tòa cấp dưới là nội dung mới nhất của Luật tố tụng hành chính Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố.

Luật tố tụng hành chính khá “nặng kí” với 18 chương, 265 điều, được soạn thảo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong trường hợp “kiện quan”.

So với Pháp lệnh giải quyết các vụ án hành chính đang áp dụng, người dân được nới quyền khởi kiện các cơ quan nhà nước. Pháp lệnh hiện tại đặt ra điều kiện người dân phải khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, chờ kết quả giải quyết rồi mới có quyền khởi kiện ra tòa.

Với Luật mới, cá nhân, cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính đã có thể khởi kiện ngay ra tòa án. Trường hợp người dân vẫn đi theo quy trình khiếu nại thì hết thời hạn theo quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó cũng vẫn có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án.
 
Trao quyền “tự xử”.. . án oan sai - 1

Thời hạn kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm cũng có thay đổi linh hoạt. Theo đó, thời hạn kháng nghị thông thường là 2 năm nhưng với trường hợp đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm từ khi bản án có hiệu lực thì dù quá hạn 2 năm mới phát hiện bản án có sai lầm nghiêm trọng, người có quyền kháng nghị vẫn được yêu cầu xét lại án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Luật tố tụng hành chính cũng quy định cơ chế cho Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tự xét lại quyết định của mình khi phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nhận định “làm oan” cho người dân trước đó.

Đây là điểm mới cơ bản so với pháp luật hiện hành. Việc quy định cơ chế xem xét lại các quyết định tối cao như trên xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiều vụ án thấy sai mà không sửa được. “Đồng thời việc tự xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cũng nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân” - Phó Chánh án TAND tối cao Tưởng Huy Lượng khẳng định.

Cùng với Luật tố tụng hành chính, Văn phòng Chủ tịch nước cũng chính thức công bố Luật thanh tra, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật bầu cửa đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND để phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc năm tới.

Đây là lần đầu tiên tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp trong phạm vi cả nước vào cùng một ngày. 2 khu vực bỏ phiếu được thiết lập đồng thời với số lượng cử tri mỗi điểm có thể dao động từ 300 tới 4000 người. Các nội dung khác về công tác tổ chức, cơ cấu ứng cử viên, thời gian bầu cử… cũng được quy định cụ thể.

P.Thảo