Tranh luận “nóng” về phương án đổi giờ học, giờ làm

(Dân trí) - Trong buổi họp giữa Hà Nội với Bộ GTVT về phương án đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông sáng nay, 25/10, nhiều ý kiến cho rằng thời gian đưa ra không hợp lý và dự thảo còn bỏ sót nhiều đối tượng gây ùn tắc giao thông khác.

Khảo sát bỏ sót hàng loạt đối tượng

Đầu buổi họp, đại điện Bộ Giao thông vận tải cho biết, điều tra cho thấy hiện Hà Nội có hơn 1 triệu học sinh các cấp, khoảng gần 500.000 sinh viên (tập trung chủ yếu ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng) và hơn 350.000 cán bộ, công chức. Đây là những đối tượng được đề xuất nghiên cứu thay đổi giờ làm, giờ học và thêm nữa là việc thay đổi giờ mở - đóng cửa đối tượng kinh doanh, thương mại tại thành phố.
 
Tranh luận “nóng” về phương án đổi giờ học, giờ làm - 1
Nhiều đại diện sở ngành của Hà Nội băn khoăn về đề xuất của Bộ GTVT đã bỏ qua nhiều đối tượng

Qua xem xét đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Việt, Trưởng Phòng Quản lý sở ngành (Sở Nội vụ) cho rằng 3 nhóm đối tượng được đề xuất thay đổi giờ gồm học sinh các cấp, sinh viên và cán bộ công chức hưởng lương ngân sách là chưa đầy đủ. Tổng số dân Hà Nội hiện nay có 6,5 triệu người, nhưng tổng số đối tượng mà Bộ Giao thông đưa ra chỉ gần 2 triệu. “Tôi thấy số liệu trên chưa phản ánh đầy đủ đối tượng tham gia giao thông. Hà Nội hiện nay còn nhiều doanh nghiệp Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang, công an… nhưng tôi không thấy họ có trong dự thảo. Để họ đi vào giờ cũ hiện nay hay điều chỉnh đi vào giờ nào?”, ông Việt đặt câu hỏi với Bộ Giao thông.

Ông Nguyễn Bá Lực - Phó phòng Chính sách lao động việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã Hội Hà Nội), cũng đồng tình với đại điện Sở Nội vụ về báo cáo của Bộ Giao thông đã bỏ quên nhiều đối tượng. “Trong bản đề xuất thay đổi giờ đi lại của Bộ Giao thông mới chỉ đề cập đến học sinh, sinh viên, công chức. Còn lại số lượng rất lớn là doanh nghiệp, văn phòng đại diện của nước ngoài trên đại bàn thành phố không thấy đề cập”, ông Lực băn khoăn.

Để giải tỏa những băn khoăn của đại biểu Hà Nội, ông Lê Đỗ Mười, Viện Chiến lược (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, quá trình điều tra cũng đề cập đến các đối tượng được cho là bỏ sót này. “Một số doanh nghiệp nước ngoài và văn phòng nước ngoài, tổ chức phi chính phủ... họ thường bắt đầu giờ làm từ 8h30 đến 9h nên họ không thuộc diện điều chỉnh trong đề án; họ đã đương nhiên nằm trong khung giờ đó”, ông Mười làm rõ. Cũng theo ông Mười, các doanh nghiệp làm ca thường nằm ở khu công nghiệp ở ngoài vành đai thuộc phạm vi không phải điều chỉnh giờ.

Không khéo đi ra đường lại “vấp” phải nhau!

Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vào học ca sáng từ 8h, tan học 17h30. Học sinh trung học, học từ 7h, tan học 16h30. Sinh viên được điều chỉnh theo khu vực dao động: giờ vào học từ 6h30 đến 7h, tan học từ 17h30 đến 17h45. Còn cán bộ công chức cơ quan Trung ương vào làm từ 9h, hết giờ làm 18h. Cán bộ công chức Hà Nội làm từ 8h30, hết giờ làm 17h30.
 
Tranh luận “nóng” về phương án đổi giờ học, giờ làm - 2
Đại diện Viện chiến lược (Bộ GTVT) cho rằng nên gộp sinh viên đi lại theo 1 giờ nhất định

Theo ông Nguyễn Bá Lực, việc điều chỉnh khung giờ tan tầm hiện nay còn tồn tại rất nhiều vấn đề. “Khoảng thời gian tam tầm giữa học sinh, sinh viên, công chức lệch nhau khoảng 30 phút là quá ngắn. Quãng thời gian ấy nếu người tham gia giao thông chỉ chậm vài phút lại gặp nhau ở ngoài đường. Chúng ta nên chia khoảng thời gian tam tầm buổi chiều cách nhau thêm một chút nữa mới thỏa đáng”, ông Lực phân tích.

Ông Lực cũng lo lắng việc lệch múi giờ quá nhiều giữa bậc mầm non, tiểu học so với thời gian đi làm của cám bộ, công chức Trung ương. “Để cho phù hợp chúng ta nên gộp thời gian đi làm của cơ quan Trung ương và Hà Nội cùng một thời điểm và điều chỉnh thời gian đưa đón bậc mầm non, tiểu học hợp lý hơn”, ông Lực nói và gợi ý nên chia sinh viên thành 2 múi giờ khác nhau và giữa các quận chỉ chênh nhau một tiếng.

Phó Trưởng phòng trường học (Sở Giáo dục Hà Nội) Nguyễn Chí Dũng cho biết, số liệu học sinh các cấp mà Bộ Giao thông đưa ra là bao quát trên toàn thành phố. “Thực tế số học sinh trong nội thành ít hơn nhiều so với con số Bộ đưa ra, nên theo tôi đối tượng này không đáng lo ngại, ngay cả số học sinh học trái tuyến”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, ông Dũng cũng băn khoăn khoảng thời gian tan học chiều của lượng học sinh trong nội thành với các ngành nghề khác là quá ngắn. “Nếu chỉ lệch nhau nửa tiếng như hiện nay thì chỉ qua một vài điểm đèn xanh - đỏ xe cộ lại gặp nhau trên đường. Theo tôi múi giờ nên chênh lệch nhau từ 1 giờ là tốt nhất”, ông Dũng đưa ra ý kiếm. Cũng theo ông Dũng nên khoanh rõ vùng điều chỉnh thời gian giữa nội thành và ngoại thành.

Mặc dù là đơn vị đóng góp ý kiến xây điều chỉnh múi giờ, nhưng khi nghe ý kiến của các sở ngành Hà Nội, ông Mười cho rằng nhóm cần điều tiết lại giờ hiện nay là sinh viên. “Chúng ta nên nhóm tất cả sinh viên thuộc 4 quận hiện nay đi lại cùng một giờ và quy định giờ học từ 7h, tan học 17h để lệch tất cả với các giờ làm và phù hợp với việc điều tiết luồng giao thông”, ông Mười lý giải.

Cũng theo ông Mười, văn bản mà Bộ Giao thông đưa ra là để lấy ý kiến của Hà Nội; đây chỉ là văn bản áp dụng thí điểm và có những điều chỉnh theo nhóm giờ cho phù hợp hơn, chứ không phải ép địa phương làm ngay.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, phương án thay đổi giờ sẽ thực hiện nhưng không thể làm gấp mà sẽ có lộ trình cụ thể. Trước mắt, nghiên cứu thực hiện trước với những nhóm đối tượng ít chịu ảnh hưởng nhất như Tài Chính, Viễn Thông, Trung tâm thương mại - dịch vụ và nhóm sinh viên thuộc khu vực chịu nhiều ùn tắc.
 

Ngành thương mại không ảnh hưởng

Ông Nguyễn Xuân Thái - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết, việc điều chỉnh giờ không ảnh hưởng đến sự phát triển ngành thương mại, dịch vụ. Vì hiện nay các trung tâm thương mại, siêu thị cũng áp dụng mở cửa từ 9h sáng và đóng cửa lúc 22h. “Giờ mở cửa chúng tôi nhất trí, tuy nhiên không nên khống chế giờ đóng cửa là 23h30. Vì không người dân nào đi chợ vào buổi đêm, hơn nữa 22h các siêu thị, trung tâm thương mại đã đóng cửa kiểm hàng”, ông Thái nói.

 
 
Quang Phong