1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tranh cãi việc dừng hay tiếp tục triển khai mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Phùng Minh

(Dân trí) - Ông Phạm Lê Hùng, đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) khẳng định đến nay chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng dự án. Các nhà khoa học lại bày tỏ ý kiến khác.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?" do báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng 16/8, ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh) khẳng định đến nay chưa có văn bản nào chỉ đạo dừng dự án này.

"Một dự án chỉ có dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật. Ở đây, cả hai điều này không xảy ra nên tôi cho rằng mỏ sắt Thạch Khê không có lý do gì để dừng cả", ông Hùng nói.

Tranh cãi việc dừng hay tiếp tục triển khai mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 1

Ông Phạm Lê Hùng nêu quan điểm tại buổi tọa đàm (Ảnh: Quang Vinh).

Theo ông Hùng, khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đưa vào luyện kim quá phức tạp. Trải qua gần 60 năm nghiên cứu, tới năm 2007 mới đủ điều kiện đưa vào khai thác.

"Tôi đã đến thăm Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và thấy rằng, khu mỏ này thừa sức để làm. So với các nước phát triển khác thì hiện nay công nghệ khai thác của TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) đã rất phát triển", ông nói.

Trước quan ngại của tỉnh Hà Tĩnh về nước thải, ông Phạm Lê Hùng nhấn mạnh dự án có 3 hồ và hồ cuối cùng có thể xả thải ra môi trường mà không gây ô nhiễm.

Cũng tại cuộc tọa đàm, PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, khẳng định Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu so với tổng thể các mỏ sắt trên thế giới đã được thăm dò thì chỉ chiếm 0,8%.

"Chúng ta phải khẳng định điều này để có cái nhìn khách quan. Khai thác hay không? Câu hỏi này liên quan tới nhiều vấn đề, trong đó có giá thành khai thác so với đi mua. Như chúng ta trồng rau mà giá 50.000/kg, trong khi mua giá tốt chỉ 35.000 đồng/kg thì chúng ta trồng rau làm gì? Vì thế nếu không đủ cơ sở khoa học để tiếp tục thì phải dừng dự án. Còn nếu Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê cung cấp đủ cơ sở khoa học để đánh giá thì tôi nghĩ rằng việc khai thác sẽ tiếp tục", ông nói.

Tranh cãi việc dừng hay tiếp tục triển khai mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 2

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam (Ảnh: Quang Vinh).

PGS.TS Trần Bỉnh Chư, Tổng hội Địa chất Việt Nam, nhận định Thạch Khê là mỏ quặng sắt độc nhất vô nhị trên thế giới, nằm ở dưới trầm tích mở rộng, sát mực nước biển. Nga, Ukraina, Brazil, Australia và nhiều nước khác khai thác hàng trăm triệu tấn quặng sắt/năm nhưng trên nền đá vững bền.

"Tôi đã đọc báo cáo thăm dò chi tiết tổng kết năm 1985. Người ta nói, nếu khai thác mỏ này phải báo cáo kinh tế kỹ thuật, tương đương với nghiên cứu tính khả thi, điều kiện địa chất thủy văn bổ sung công trình, và phải lập mô hình lập thể về thân quặng của hang động caster (hiện tượng đá bị xâm thực, bào mòn do nước kết hợp đất theo thời gian). Nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ nước biển, nước sông xâm nhập", ông Chư phân tích.

Mỏ quặng này đã có đánh giá từ 1985, nhưng bây giờ là 30-40 năm sau vẫn "bê nguyên" những đánh giá của thời đó để vào khai thác, theo ông Chư, là không ổn.

Ông Trần Thanh Bình, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện về kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ đồng tình về kiến nghị của tỉnh Hà Tĩnh với Trung ương "chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê".

"Đây không chỉ là quan điểm của lãnh đạo địa phương, mà chính là chính kiến của một số nhà khoa học, nhà quản lý mà tôi được tiếp cận, là ý nguyện của người dân và các cơ sở trong vùng mỏ. Tôi nghĩ rằng, việc tiếp tục hay dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải trên cơ sở khoa học, đúng lộ trình và đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường", ông Bình nêu ý kiến.

Tranh cãi việc dừng hay tiếp tục triển khai mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á - 3

Toàn cảnh mỏ sắt Thạch Khê (Ảnh: X.S.).

Trái lại, từ phía chủ đầu tư dự án, ông Phạm Lê Hùng nêu rõ, hội đồng bảo vệ đánh giá tác động môi trường gồm các nhà khoa học uy tín và hội đồng thiết kế kỹ thuật có tới 25 nhà khoa học đầu ngành, 10 người thư ký trợ giúp.

"Còn lo ngại về lấn biển thì chúng tôi lấn biển nhưng đâu có đổ thải ra biển", ông Hùng phân trần.

Tranh cãi từ... năm 2017

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Năm 2009, dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ nhưng 2 năm sau đã tạm dừng. Khi đó, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.

Từ năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản báo cáo Chính phủ, cho rằng năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư dự án theo tiến độ, phương án tiêu thụ quặng sắt của Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) chưa đảm bảo chắc chắn; phương án vận chuyển sắt bằng đường bộ từ mỏ sắt đến cảng Vũng Áng không hiệu quả và đảm bảo an toàn giao thông. Bộ này cũng quan ngại về môi trường như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa...

Trong khi đó, Bộ Công Thương từng cho rằng, việc đề xuất dừng dự án là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh Hà Tĩnh ngày 14/7 vừa qua, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết địa phương kiên quyết đề xuất dừng khai thác mỏ Thạch Khê (huyện Thạch Hà) vì sẽ để lại nhiều hệ lụy.

"Nếu khai thác, mỗi ngày sẽ có 3-4 triệu m3 nước thải xả ra biển, 2 tấn mìn nổ cách thành phố Hà Tĩnh 5km theo đường chim bay. Hà Tĩnh rút kinh nghiệm từ bài học về sự cố môi trường của Công ty Formosa từng xảy ra", Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh lý giải.