1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỏ sắt Thạch Khê: Kiến nghị tiếp tục triển khai dự án để tránh lãng phí

(Dân trí) - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam vừa có đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực...

Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.
Mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Báo Hà Tĩnh.

Hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường

Hội Khoa học và công nghệ mỏ Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lãnh đạo Đảng, nhà nước liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Bản kiến nghị này có chữ ký, ghi tên đầy đủ của 65 nhà khoa học về khai thác mỏ, địa chất, khoáng sản, môi trường...

Theo đó, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam đưa ra đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện dự án này, tránh trường hợp dự án bị tạm dừng kéo dài, gây bức xúc cho người dân, lãng phí nguồn lực.

Trong văn bản này, Hội đánh giá dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh là “hoàn toàn khả thi, các giải pháp công nghệ khai thác và bảo vệ được lựa chọn là hợp lý, an toàn, đạt hiệu quả cao…”.

Cụ thể, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho biết công tác thăm dò, khảo sát và nghiên cứu điều kiện địa chất khu mỏ đã được thực hiện từ năm 1960 bởi nhiều tổ chức trong và ngoài nước (Liên Xô – Nga, Đức, Úc, Nhật…) với nhiều công trình nghiên cứu khác nhau.

Kết quả nghiên cứu qua nhiều thời kỳ cho thấy, các tài liệu về trữ lượng mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình là tương đối đầy đủ, đảm bảo độ tin cậy để tiến hành nghiên cứu, thiết kế và khai thác mỏ đến độ sâu -550m.

Là mỏ có trữ lượng lớn (544 triệu tấn quặng sắt), nằm trong khu vực có địa hình bằng phẳng, đất đai khô cằn, thưa cư dân, điều kiện giao thông thuận tiện, thân quặng lớn, tập trung và nằm dưới độ sâu so với mực nước biển.

Điều kiện địa chất mỏ phù hợp với việc khai thác bằng phương pháp lộ thiên, là phương pháp mà ngành khai thác mỏ trong nước có nhiều kinh nghiệm và đạt trình độ thế giới.

Trên cơ sở thừa kế các nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước, dự án đã tính toán, lựa chọn phương pháp và công nghệ khai thác, cụ thể như sau: Áp dụng phương pháp khai thác lộ thiên, đào sâu đáy mỏ đa cấp, công nghệ đổ bãi thải ngoài trên đất liền, vận tải bằng ô tô và bãi thải lấn biển, vận tải bằng ô tô…

Hiệp hội khẳng định qua kinh nghiệm thực tế của các mỏ lộ thiên lớn vùng Quảng Ninh vài chục năm nay và kết quả thử nghiệm công nghệ và đất tầng phủ tại mỏ Thạch Khê vừa qua có thể khẳng định phương pháp và công nghệ khai thác được lựa chọn là tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.

Ngoài ra, Hội cho biết việc khai thác mỏ này cũng đã có các giải pháp bảo vệ môi trường như giải pháp giảm thiểu ảnh hưởng của hạ mức nước ngầm; giải pháp ứng phó với thiên tai, sự cố môi trường như động đất, mưa bão, nước biển dâng; giảm thiểu ảnh hưởng của cát bay, cát chảy; xử lý nước thải mỏ…

Bãi thải lấn biển cũng được thiết kế dài 5,2km dọc bờ biển và đổ đến cách bờ 1,6km, với điểm sâu nhất là -10m. Hệ thống đê chắn bãi thải lấn biển được thiết kế kiên cố, thân đê được làm bằng đá hộc chọn lọc, dưới đê được lót vải địa kỹ thuật, phía trong là đá cỡ nhỏ…

Hội khẳng định “các giải pháp thiết kế đưa ra là có cơ sở khoa học và thực tế, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về đê chắn chóng và giảm thiểu ảnh hưởng môi trường”.

Về thị trường và hiệu quả kinh tế của dự án, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho biết: Theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 tại Quyết định số 2185 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu tinh quặng sắt đến năm 2020 là 18 triệu tấn, đến năm 2025 là 32 triệu tấn và đến năm 2030 là 41 triệu tấn. Hiện tại các nhà sản xuất thép trong nước đã cam kết sử dụng hết quặng sát của dự án (10 triệu tấn/năm).

Theo số liệu thống kê năm 2016, Việt Nam đã phải nhập khẩu 6,5 triệu tấn, năm 2017 khoảng 11,2 triệu tấn và nhu cầu tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo. Do đó thị trường tiêu thụ quặng sắt không phải là vấn đề đối với dự án, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam khẳng định.

Hiện nay, giá quặng trên thế giới dao động khoảng 65-70 USD/tấn. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, đến năm 2030 giá quặng sắt không dưới 60 USD/tấn. Như vậy hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khả thi hơn và thời gian hoàn vốn sẽ sớm hơn.

Nhiều ý kiến trái chiều

Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cũng dẫn ý kiến một loạt các bộ ngành có liên quan tới dự án. Cụ thể, tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương tiếp tục khẳng định dự án đã thực hiện đẩy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định, khẳng định tính khả thi về các giải háp kỹ thuật công nghệ khai thác, các giải pháp đảm bảo môi trường như xử lý nước thải mỏ, xử lý nguy cơ suy thoái nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hoá…

Bộ Công Thương cũng cho rằng việc vận chuyển quặng sắt bằng đường bộ không gây ảnh hưởng nhiều đến các công trình giao thông và ô nhiễm môi trường, dự án có thị trường tiêu thụ trong nước, đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Chính phủ xem xét việc tái khởi khởi động dự án sau khi thực hiện đồng bộ các ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện các phương án bảo vệ môi trường, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận.

Trong khi đó, liên quan đến ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 5400 ngày 7/8/2018, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cho rằng "các nghi ngại của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra chủ yếu dựa theo những lo ngại của tỉnh Hà Tĩnh, thiếu căn cứ và không phù hợp với thực tế của dự án".

Trước đó, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần bày tỏ sự lo ngại vấn đề môi trường của dự án, đặc biệt sau thảm họa tại nhà máy Formosa.

Cũng theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện dự án đã để lại nhiều hệ lụy, khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh cho các xã vùng ảnh hưởng trực tiếp, dẫn đến các địa phương trong vùng trở thành xã khó khăn nhất của huyện Thạch Hà, thậm chí là của tỉnh Hà Tĩnh.

UBND tỉnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét kết thúc dự án, đồng thời chỉ đạo giải quyết tốn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

Trong khi đó, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam lại cho rằng Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, tại khu mỏ sắt Thạch Khê đất đai cằn cỗi không phù hợp phát triển nông nghiệp, cũng không phù hợp cho canh tác và du lịch.

"Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê thời điểm này không chỉ phục vụ phát triển đất nước, phù hợp với quy hoạch mà còn tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu địa bàn Hà Tĩnh, đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách và tạo hàng nghìn việc làm cho ngươi dân", Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam nêu quan điểm.

Bên cạnh đó theo Hội này, việc dừng dự án sẽ làm mất khoảng 1.809 tỷ đồng đầu tư (trong đó vốn nhà nước mất khoảng 1.600 tỷ đồng), tác động rất lớn đến an sinh xã hội trên địa bàn, gây nhiều hệ luỵ…

Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009.

Dự án tạm dừng triển khai 2 năm sau đó (2011) do gặp vướng mắc về vốn góp của các cổ đông, khó khăn trong huy động vốn. Từ tổng mức đầu tư ban đầu 14.500 tỷ, chủ đầu tư đã phải tính toán lại, giảm về còn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một là 6.700 tỷ.

Đến tháng 3/2017, dự án tiếp tục giảm quy mô vốn đầu tư về mức 12.200 tỷ đồng. Qua 2 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án này giảm khoảng 2.300 tỷ.

Cuối năm 2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có kiến nghị dừng dự án, song vấp phải những thông tin trái chiều từ phía các Bộ Công Thương và chủ đầu tư dự án.

Nguyễn Khánh

Mỏ sắt Thạch Khê: Kiến nghị tiếp tục triển khai dự án để tránh lãng phí - 2