An Giang:
Tràn lan “hư danh” Gia đình văn hóa
(Dân trí) - Tỉnh An Giang vừa thực hiện tổng rà soát trên địa bàn và theo nguồn tin riêng của Dân trí, hàng ngàn Gia đình văn hóa đã bị rút danh hiệu. Thực tế này cho thấy việc xét, cấp danh hiệu Gia đình văn hóa quá dễ dàng, đôi khi làm chiếu lệ.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều huyện, thị của An Giang có nơi thiếu bước này, nơi “quên” bước khác. Từ đó, làm cho tỷ lệ hộ được công nhận Gia đình văn hóa không ngừng tăng cao nhưng chất lượng thì lại rất kém.
Theo đánh giá thì có nhiều nguyên nhân, do cán bộ đảng viên thực hiện rất qua loa, làm theo kiểu cho có để đạt chỉ tiêu, thành tích. Trong khi đó, có rất nhiều người dân chẳng hiểu biết gì về việc phấn đấu để đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.
Danh hiệu Gia đình văn hóa từ “trên trời rơi xuống”
Theo ghi nhận của chúng tôi, thị xã Châu Đốc là một trong những địa phương của tỉnh An Giang có nhiều Gia đình văn hóa bị rút danh hiệu. Ông Huỳnh Kim Bích, Phó ban Dân vận thị xã ủy Châu Đốc, cho biết chỉ tính từ năm 2007 đến nay thị xã đã có trên 1.400 hộ gia đình bị rút danh hiệu Gia đình văn hóa.
Cũng theo ông Bích, có những nguyên nhân khách quan như gia đình vi phạm các tiêu chí đề ra; phường, xã cấp trùng hộ gia đình; gia đình sinh con thứ ba; gia đình có con là học sinh bỏ học giữa chừng hay không cho con tiếp tục đi học…
Còn về nguyên nhân chủ quan thì có những cán bộ thực hiện phong trào còn chưa đi sâu, chưa chú trọng đến chất lượng của danh hiệu này.
Hộ anh Võ Văn Minh và chị Phan Thị Hoa (tổ 5, khóm 1, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc) vừa bị rút danh hiệu Ggia đình văn hóa trong năm 2008 do trong nhà có người tham gia ăn nhậu gây mất trật tự công cộng.
Theo tìm hiểu, đây là hộ quanh năm lo chạy gạo nuôi con, anh Minh làm nghề chạy xe ôm nhưng cũng được phường cấp cho danh hiệu Gia đình văn hóa từ năm 2005.
Hay như hộ bà Trần Thị Dững (ngụ tổ 11, khóm 1, phường Châu Phú A) cũng bị rút danh hiệu trong năm 2008. Khi được hỏi, bà Dững cho biết, nhà nghèo chỉ lo làm ăn nên không biết và cũng không đi đăng ký nhưng tự dưng lại nhận được danh hiệu Gia đình văn hóa do chính quyền khóm đến trao tặng. Bà chỉ việc dán lên cho có, rồi thôi.
Chính quyền ra tay
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phường Châu Phú A (TX Châu Đốc) có đến 4 khóm, ấp có nhiều người hành nghề vác thuê cho buôn lậu nhưng từ lâu phường này đã có thành tích 11/11 khóm, ấp đạt danh hiệu khóm ấp văn hóa.
Khóm Vĩnh Tây 1 thuộc phường Núi Sam (TX Châu Đốc) có treo bảng khóm văn hóa nhưng trước mặt bảng treo là một bãi đất dành để tập kết bò nuôi. Tại đây, phân bò bầy nhầy gây hôi thối nhưng luôn “giữ vững” danh hiệu của khóm văn hóa nhiều năm liền.
Ông Huỳnh Kim Bích, Phó ban Dân vận thị xã ủy Châu Đốc, cũng khẳng định nhiều nơi treo bảng địa phương văn hóa nhưng bên trong nó còn rất nhiều hạn chế.
Ông Bích lý giải, chính vì những tồn tại đó mà tỉnh mới quyết tâm cải cách chất lượng việc xét công nhận gia đình, khóm ấp văn hóa.
UBND tỉnh An Giang ra chỉ thị số 03/2008/CT-UBND ngày 30/1/2008, về việc nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2006 - 2010.
Chỉ thị này cũng đề ra 6 biện pháp khắc phục, trong đó có điểm mới là hạn chế việc công nhận mới các danh hiệu văn hóa như gia đình, khóm ấp và xã phường văn hóa. Thay vào đó, tập trung củng cố nhằm giữ vững danh hiệu cho những nơi đã đạt được.
Tuy nhiên, qua 6 biện pháp trên nhìn chung chính quyền các cấp vẫn chưa đề cập đến việc tạo công ăn việc làm cho người dân để nâng cao mức sống của họ. Những giải pháp chung chung cũng chỉ nhằm mang tính “hô hào”, chiếu lệ.
Theo UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang thì việc chạy theo thành tích, bệnh hình thức trong việc xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa là có thật. Vì thế Ban chỉ đạo tỉnh mới tiến hành rà soát, nâng chất lượng cho thời gian tới và cho đến nay việc rà soát vẫn chưa kết thúc. Số liệu về việc có bao nhiêu gia đình bị rút danh hiệu trong đợt này chưa được công bố cụ thể. |
Huỳnh Hải