Hà Tĩnh:

Trận "đại hồng thủy" lịch sử làm nóng nghị trường

Xuân Sinh

(Dân trí) - Trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho Hà Tĩnh. Tại phiên họp HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này đã thừa nhận có sự chủ quan vì ngoài sức dự báo.

Trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 10 vừa qua khiến 118 xã, phường, thị trấn; với hơn 52.600 hộ người bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hơn 5.300 tỷ đồng.

Trận đại hồng thủy lịch sử làm nóng nghị trường - 1

Trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 gây thiệt hại nặng nề

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to. Lượng mưa đo được tại các trạm khí tượng thủy văn từ 7h ngày 15/10 đến 17h ngày 21/10/2020 tại TP Hà Tĩnh là hơn 1.380 mm; tại đầu mối hồ Kẻ Gỗ là gần 1.250 mm…

Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả lũ từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s, 400m3/s...và lưu lượng xả lớn nhất 1.060 m3/s và mức xả này chỉ duy trì trong thời gian 1 giờ, sau đó giảm dần.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, nguyên nhân khiến Hà Tĩnh trải qua cơn lũ lịch sử là do mưa lớn cực đoan; do ảnh hưởng của thủy triều; hệ thống tiêu thoát lũ chưa đáp ứng yêu cầu và hồ Kẻ Gỗ phải điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình khi mực nước hồ đang lên nhanh và ở thượng nguồn đang có mưa rất to.

Trận đại hồng thủy lịch sử làm nóng nghị trường - 2

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trả lời chất vấn

Liên quan đến sự việc này, trong phiên làm việc chiều ngày 7/12, Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã nhận được rất nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu đề nghị làm rõ, ngoài nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan hay không?

Trận đại hồng thủy lịch sử làm nóng nghị trường - 3

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh

Đại biểu Nguyễn Văn Hổ và đại biểu Nguyễn Thế Hoàn chất vấn, quá trình vận hành xả lũ hồ Kẻ Gỗ, chúng ta có tính toán được vùng hạ du sẽ bị ngập như thế nào? Ngập sâu bao nhiêu không, từ đó đưa ra cảnh báo cho người dân để chủ động kê cao tài sản, vật nuôi?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức nghi vấn về số liệu báo cáo trong vấn đề xả lũ hồ Kẻ Gỗ.

"Thời điểm hồ Kẻ Gỗ xả cao nhất theo báo cáo là 1.060 m3/s và chỉ xả trong 1 tiếng đồng hồ, đây có phải là mức xả cao nhất không? Đây là chỉ mới nghe qua báo cáo, làm thế nào để kiểm soát được việc lưu lượng xả lũ này?

Trả lời những câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng, việc tổ chức vận hành điều tiết xả lũ hồ Kẻ Gỗ vừa qua là đúng quy định, có các kịch bản điều tiết linh hoạt ứng phó phù hợp với mưa lũ.

Trận đại hồng thủy lịch sử làm nóng nghị trường - 4

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thì việc xả hồ Kẻ Gỗ là đúng quy trình

Ông Nguyễn Văn Việt cũng cho biết, hồ Kẻ Gỗ chỉ thiết kế 2 cống xả tràn ở cao trình 26,5m, không có thiết kế xả đáy nên khi lượng nước trong hồ chưa đạt đến cao trình thiết kế thì không thể xả.

Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận hiện nay chưa có bản đồ ngập lũ để nhập vào phần mềm, để tính toán việc xả nước bao nhiêu thì dưới hạ lưu ngập bao nhiêu, hiện nay chỉ mới tính toán cơ học, thủ công và sắp tới sẽ làm.

Đại biểu Lê Ngọc Huấn tiếp tục chất vấn, trong báo cáo nêu rõ công tác 4 tại chỗ được đánh giá tốt, vậy tại sao vẫn để lại thiệt hại nặng nề, cái này là do dân chủ quan hay là do công tác cảnh báo?

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh thừa nhận có sự chủ quan vì ngoài sức dự báo.

"Do hiện tượng bất thường, chưa từng xảy ra nên có sự chủ quan kể cả trong chỉ đạo và người dân vì không lường trước được, nhưng dự báo trong các đợt mưa lũ vừa qua là kịp thời", ông Nguyễn Văn Việt nói.

Trận đại hồng thủy lịch sử làm nóng nghị trường - 5

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn: Hồ Kẻ Gỗ đã cắt lũ cho vùng hạ du hơn 210 triệu m3 nước

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng cần minh bạch thông tin quy trình vận hành hồ Kẻ Gỗ để người dân, cử tri hiểu rõ sự việc và khẳng định việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ là đúng quy trình, chủ động vận hành.

"Hồ Kẻ Gỗ đã cắt lũ cho vùng hạ du hơn 210 triệu m3 nước. Nếu 210 triệu m3 nước ấy đổ về hạ du thì việc ngập lụt sẽ còn nặng nề hơn. Hiện nay, tỉnh đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp cho đánh giá lại tổng thể công năng hồ Kẻ Gỗ để nghiên cứu phương án an toàn nhất cho vùng hạ du", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm.