Trạm thu phí BOT trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được bỏ barie ở đầu vào
(Dân trí) - Các trạm thu phí không dừng trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được bỏ barie ở lối vào, duy trì barie ở lối ra cao tốc.
Ngày 4/4, ông Nguyễn Văn Long, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 85, cho biết tuyến chính cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã hoàn thiện. Nhà thầu đang hoàn tất các hạng mục phụ còn lại của dự án, đảm bảo đúng thời gian vận hành vào dịp lễ 30/4 theo kế hoạch.
Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khác với hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây, nhà đầu tư tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ sớm thu phí khi đưa vào vận hành tuyến đường.
Đây là tuyến cao tốc áp dụng công nghệ thu phí không dừng (ETC) hoàn toàn. Xe không phải dừng khi thu phí giúp tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và tiết kiệm nhiên liệu.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo khi đưa vào khai thác sẽ có 3 trạm thu phí được lắp đặt tại nút giao Du Long (huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận), nút giao quốc lộ 27 (huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) và trạm cuối tuyến km133+700 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Tại các lối vào trạm thu phí, chủ đầu tư lắp đặt hệ thống nhận diện không có barie, không có cabin thu phí. Thiết bị camera được gắn trên giá long môn sẽ tự động quét và đọc thẻ ETC dán trên ô tô khi qua trạm.
Ở lối ra được điều chỉnh 2 làn ETC và 1 barie tự động. Xe đi qua khu vực barie với tốc độ 60km/h, thay vì 40km/h như trước.
Chủ đầu tư cho biết các trạm thu phí gồm nhiều linh kiện và thiết bị như: Giá long môn, camera, biển báo, đèn... Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có ba trạm thu phí chỉ duy trì giá long môn với thiết bị thu phí gắn bên trên. Các phương tiện lưu thông tự do đa làn khi qua khu vực trạm thu phí. Tuy nhiên, các trạm thu phí trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chỉ bỏ barie ở lối vào, vẫn duy trì barie ở lối ra cao tốc.
Về thời gian bắt đầu thu phí, đại diện Ban quản lý dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, dự kiến cuối tháng 4, tuyến cao tốc này được đưa vào vận hành, thời gian bắt đầu thu phí phải chờ quyết định từ Bộ Giao thông Vận tải.
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài hơn 78km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (5km), Ninh Thuận (63 km) và Bình Thuận (12km). Đây là đoạn cao tốc cuối cùng kết nối tuyến đường cao tốc huyết mạch từ TPHCM đi Nha Trang.
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 làm chủ đầu tư với tổng vốn 8.925 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng đối tác công tư (PPP). Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, trong đó giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 90km/h.