1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Trạm cân xe bị doanh nghiệp hoài nghi kết quả

(Dân trí) - Việc Trạm cân tải trọng xe lưu động tại Đắk Lắk liên tục gặp sự cố trong 4 tháng hoạt động không khỏi khiến trạm cân bị hoài nghi về kết quả đã từng cân.

“Lùm xùm” từ những trục trặc của trạm cân

 

Từ ngày 6/5/2014, Thanh tra giao thông (Sở GTVT Đắk Lắk) đã tiến hành triển khai đồng bộ việc đặt các trạm cân điện tử tại các tuyến quốc lộ ra vào tỉnh. Tuy nhiên, việc các trạm cân liên tục gặp sự cố đã gây ảnh hưởng đến uy tín của trạm và sự tin tưởng của doanh nghiệp khi được kiểm tra tải trọng của xe.

 

Vụ việc mất máy tính vào ngày 4/7 tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53, Km17+800, quốc lộ 27 (thuộc huyện Cư Kuin) đã gây ảnh hưởng trong việc truyền dữ liệu từ trạm tới Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nguyên nhân được Trạm cân đưa ra là do ca trực thiếu người dẫn đến vụ việc. Sau vụ việc, phía Sở đã tiến hành kỷ luật và buộc những người liên quan trong ca trực phải bồi thường tài sản bị mất cắp.
 
Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, nơi xảy ra sự cố cân sai.

Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, nơi xảy ra sự cố cân sai.

 

Ngày 17/5, Thanh tra Sở GTVT tiến hành di chuyển Trạm cân tải trọng xe lưu động số 53 từ Km 723 – quốc lộ 14 sang Km 7+00 – quốc lộ 27. Tại đây đã phát hiện cân điện tử bị hư nên đã gửi cân cho công ty Hanel A&M sửa chữa. Trong thời gian đem cân đi sữa, trạm đã dùng cân xách tay để tiến hành cân thay thế.

 

Và vụ việc gần đây, vào ngày 4/9, tại Km 712 + 500 trên quốc lộ 14 (P. Tân An, TP Buôn Ma Thuột), cũng do cân điện tử của trạm này hư nên tổ công tác đã dùng cân xách tay thay thế để kiểm tra tải trọng của 2 xe container  BKS 47P-1783 của Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước chở cao su từ Đắk Lắk đi TPHCM và xe BKS 79C-03.281 của Công ty TNHH VT&TM Minh Thảo chở bia từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa.

 

Sau khi tiến hành cân, trạm cân thông báo kết quả xe Công ty TNHH VT&TM Minh Thảo có tải trọng 56.560kg/48.000kg (vượt tải trọng cho phép của đường 10 -20%, vượt hơn 8 tấn), Công ty TNHH vận tải ô tô An Phước có tải trọng 59.440/48.000kg (vượt tải trọng cho phép 20 -50%, vượt hơn 11 tấn). Quá bất ngờ với việc xe vượt tải trọng quá lớn, 2 tài xế cho biết xe trước khi lưu thông đã được cân kiểm, không thể vượt nhiều như vậy. Các tài xế không ký vào biên bản vi phạm và yêu cầu được cân đối chứng để xác nhận lại tải trọng.
 

Sáng ngày 5/9, tại hiện trường, ông Lê Công Chức - Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk, Trạm trưởng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 - khẳng định với các doanh nghiệp, cân của trạm là đúng kết quả, doanh nghiệp nào không đồng ý có thể đâm đơn kiện.

 

Khẳng định “chắc nịch” từ phía Thanh tra Giao thông vẫn không khiến các doanh nghiệp đồng ý. Doanh nghiệp đã trực tiếp lên Sở GTVT trình bày vụ việc. Chiều cùng ngày, Thanh tra giao thông đã đồng ý cân lại tải trọng xe của 2 doanh nghiệp tại 1 trạm cân điện tử của doanh nghiệp trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Kết quả cân cho thấy 2 xe container không vượt tải trọng, cân của Trạm đã hoàn toàn sai lệch. Phía Thanh tra đã hủy biên bản và để cho 2 doanh nghiệp được tiếp tục lưu thông.
 
Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, nơi xảy ra sự cố cân sai.
Ông Lê Công Chức - Chánh Thanh tra Sở GTVT Đắk Lắk (áo xanh ở giữa) - từng khẳng định kết quả cân của trạm là đúng.

 

Cân sai hay người cân sai?

 

Việc cân điện tử sai lệch kết quả lớn gây nhiều nghi vấn tại trạm cân là do lỗi của cân hay lỗi của người? Trước đó 1 ngày (3/9), khi trạm cân tiến hành cân tải trọng của xe chở cà phê mang BKS 47C-036.26 bằng cân điện tử, qua 3 lần cân đều cho kết quả không khớp nhau. Cụ thể, lần thứ nhất cân không tính được kết quả, lần thứ 2 cân báo xe vượt tải 25,9%, lần thứ 3 thì phần mềm cân xe nhảy số liên tục.

 

Trước tình huống này, tổ cân đã sử dụng cân xách tay để cân, lúc này cân báo kết quả vi phạm quá tải 5,5% (dưới 10% không bị xử phạt) nên tổ không lập biên bản xử lý.

 

Trước sự việc nêu trên, ông Chức cho biết, cân xách tay được Sở mua của Công ty Cổ phần An toàn Việt Mỹ (trụ sở TP Hồ Chí Minh) vào ngày 25/7 vừa qua, đã tiến hành kiểm định cân. Về vụ việc xảy ra, hiện tại Sở chưa có kết luận chính thức về trách nhiệm của người làm nhiệm vụ tại trạm cân.

 

“Sau khi xác định sai ở khâu nào, chúng tôi sẽ xử lý khâu đó. Nếu sai tại cân sẽ có văn bản yêu cầu làm rõ, còn nếu sai do phía người trực tiếp cân sẽ có hình thức xử lý thỏa đáng”, ông Chức nói.

 

Một vài doanh nghiệp đã “hoài nghi” tổ cân cân sai quy trình. Ông Phạm Đông Thanh - Giám đốc Công ty vận tải An Phước - cho biết, vào thời điểm trạm cân xe, ông có mặt tại hiện trường và thấy có một số điểm bất hợp lý. “Tôi được biết theo nguyên tắc để cân kiểm tra tải trọng chính xác, trạm cân phải được đặt nơi bằng phẳng, tổ cân phải đảm bảo cho các bánh xe không bị kênh, nếu không trọng tải sẽ bị dồn lên một bánh gây sai lệch. Tôi thấy trạm cân không làm đúng quy trình này, chúng tôi cũng đã có ý kiến nhưng không được tổ xem xét”- ông Thanh hoài nghi.

 

Phía Thanh tra Sở cũng cho biết thêm, sau khi phát hiện cân lệch kết quả, Sở đã dừng hoạt động Trạm cân, làm báo cáo gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh Đắk Lắk.

 

Về 2 doanh nghiệp nói trên, sau khi được cân đối chứng, 2 doanh nghiệp đã thống nhất không yêu cầu phía trạm cân bồi thường.

 

Theo thống kê từ Sở GTVT, từ khi trạm cân đi vào hoạt động đến cuối tháng 8/2014, có 216 biên bản quá tải được lập, trong đó có 194 biên bản có quyết định xử phạt với tổng số tiền lên tới gần 800 triệu đồng.

 

Trước những sai số của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động tại Đắk Lắk trong thời gian qua, không ít doanh nghiệp đã đặt câu hỏi: Có bao nhiêu xe của các doanh nghiệp đã bị trạm kiểm tra tải trọng cân sai lệch kết quả?

 

Trương Nguyễn