1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM xuất hiện tình trạng chơi hụi trực tuyến

Q.Huy

(Dân trí) - Quy định về hoạt động hụi chưa rõ ràng, nhiều trường hợp chính quyền địa phương chỉ nắm được hoạt động chơi hụi khi đã "vỡ hụi". Hoạt động này cũng tiềm ẩn rủi ro lừa đảo, vay lãi nặng, tín dụng đen.

UBND TPHCM vừa sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 19 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Trong thời gian qua, các vụ "vỡ hụi", lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng thông qua tổ chức dây hụi đã được nhiều cơ quan báo chí nhắc tới để cảnh tỉnh người dân khi tham gia hoạt động này.

UBND TPHCM cho biết, với đặc thù quy mô kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, dân số đông, địa phương phát sinh nhiều giao dịch dân sự, trong đó có hoạt động hụi. Các đường dây hụi tại thành phố diễn ra phổ biến với quy mô lớn về cả số tiền và thành viên tham gia.

Các đường dây hụi hoạt động trên cơ sở tự thỏa thuận giữa chủ hụi và thành viên. Mặt khác, đa số việc tổ chức dây hụi được tổ chức mà không thông báo đến UBND cấp xã theo quy định.

TPHCM xuất hiện tình trạng chơi hụi trực tuyến - 1

Vụ việc hàng chục người tố bị "giật hụi" gần 10 tỷ đồng tại huyện Củ Chi hồi năm 2020 (Ảnh: H.T.).

Một điểm đáng chú ý là nhiều trường hợp chủ hụi lợi dụng lòng tin thành viên tham gia dây hụi để chiếm đoạt tài sản. Thực tế, TPHCM đã ghi nhận một số trường hợp "vỡ hụi" gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự.

Cùng với xu thế phát triển công nghệ, thành phố cũng xuất hiện trường hợp tổ chức dây hụi trực tuyến thông qua mạng xã hội, thường được gọi là "chơi hụi online". Mọi hình thức giao dịch, thanh toán của đường dây thông qua tài khoản ngân hàng; một số dây hụi bị biến tướng thành hoạt động "tín dụng đen", dẫn đến khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

UBND TPHCM nhận định, Nghị định 19 của Chính phủ được ban hành đã cơ bản tạo hành lang pháp lý cho người dân trong giao dịch về hụi. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu là nhu cầu tự phát, theo thói quen, tập quán, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính của người tham gia, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một trong những vướng mắc của công tác quản lý là Nghị định 19 yêu cầu chủ hụi thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã cư trú về việc tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định giới hạn số lượng dây hụi mà chủ hụi có thể tổ chức.

Do đó, một chủ hụi có thể tổ chức nhiều dây hụi khác nhau đã tạo nên mạng lưới chồng chéo, khó kiểm soát. Việc "vỡ hụi" tạo phản ứng dây chuyền do chủ hụi mất khả năng thanh toán, gây hậu quả lớn.

Việc thông báo đến chính quyền địa phương cũng mang tính hình thức, đối phó và số liệu thống kê chưa sát thực tế hoạt động hụi. Nhiều trường hợp UBND cấp xã chỉ phát hiện việc người dân tổ chức, tham gia hụi khi đã xảy ra tình trạng "vỡ hụi".

Nghị định cũng yêu cầu chủ hụi có nghĩa vụ nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quy định này đã tạo gánh nặng cho chủ hụi, nhiều dây hụi mất khả năng thanh toán và tuyên bố "vỡ hụi", một số thành viên tham gia dây hụi nhận thức việc chủ hụi đã đóng phần của mình nên không quan tâm đến việc góp hụi hoặc đã lợi dụng quy định để "giật hụi".

Một vấn đề khác là hầu hết thành viên tham gia dây hụi đều không biết rõ tổng cộng số lượng thành viên tham gia dây hụi, việc đồng ý thành viên mới tham gia dường như chỉ dựa vào ý chí chủ quan của chủ hụi. Điều này dẫn đến rất khó kiểm soát tính công khai, minh bạch của các dây hụi.

Việc pháp luật không có quy định giới hạn tối đa số lượng thành viên tham gia dây hụi khiến nhiều trường hợp "vỡ hụi" có số lượng thành viên tham gia dây hụi rất đông, gây hậu quả khó khắc phục.