1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM xin Chủ tịch Quốc hội cơ chế giải quyết người nghiện “tràn” phố

(Dân trí) - Chiều 27/10, đoàn ĐBQH TPHCM thống nhất ký văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm UB Pháp luật, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội “xin” quyền được tổ chức quản lý, cắt cơn cho người nghiện tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội…

Văn bản do Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Huỳnh Thành Lập ký nêu rõ, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 quy định theo đó việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc thực hiện đến nay rất khó khăn.

Số người nghiện ma túy ở TPHCM hiện đã là 19.000 người, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý.
TPHCM được coi là vùng trũng tập trung rất nhiều người nghiện.
TPHCM được coi là "vùng trũng" tập trung rất nhiều người nghiện.

Mặt khác, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc… rất phức tạp. Theo quy định, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng. Tiếp đó, nếu việc giáo dục này không thành công thì chính quyền giao cho các tổ chức xã hội, phải xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho Tòa án quyết định…

Trong khi đó gia đình của người nghiện không cư trú ở thành phố, còn “tổ chức xã hội” lại không quy định là tổ chức nào hay phải lập ra một tổ chức mới. Từ đó, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.

Do đó, đoàn ĐBQH TPHCM kiến nghị UB Pháp luật và UB Về các vấn đề xã hội nghiên cứu, xem xét, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TPHCM.

Các đại biểu đoàn TPHCM kiến nghị 2 UB có các cuộc họp với các bộ ngành hữu quan sớm tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đối với công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sống ở các địa bàn dân cư.

Trưởng đoàn Huỳnh Thành Lập đề nghị Quốc hội cho phép triển khai việc này dưới hình thức một Nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế xã hội tại kỳ họp thứ 8, giao cho thành phố thẩm quyền quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của Tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.

“Đây là vấn đề hết sức cấp bách, vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là “bước đệm” quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân” – văn bản của đoàn ĐBQH nêu rõ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thành Lập cho biết, ông báo cáo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề quản lý cai nghiện của TPHCM.

“Hiện nay tình hình người nghiện, tái nghiện ở thành phố đã báo động, nếu không được tập trung cắt cơn, cai nghiện thì sẽ làm lây lan ra cộng đồng, gây bất an cho người dân. Để càng chậm trễ thì nguy hại càng lớn”- ông Lập bày tỏ lo ngại, TPHCM là “vũng trũng”, tập trung con nghiện ở khắp nơi đổ về làm ăn, phạm tội để “kiếm thuốc”, rất cần một cơ chế thí điểm để ngăn chặn tình hình lan rộng.

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố dẫn chứng, Nghị quyết 16 thí điểm tại Quốc hội trước đây đã giúp TPHCM kéo giảm mạnh số người nghiện. Trộm cướp, tệ nạn xã hội, lây nhiệm HIV/AIDS, theo đó, cũng giảm theo. Đến nay, thành phố vẫn liên tục nỗ lực trong công tác xử lý người nghiện ma tuý nhưng với quy trình mới thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian như luật Xử lý vi phạm hành chính mới, hiệu quả công tác không cao.

P.Thảo