1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Then chốt của đột phá kinh tế là sử dụng cán bộ

(Dân trí) - Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, không đổi mới về thể chế kinh tế thì thành phố không phát triển được. Đột phá về thể chế sẽ dẫn đến đột phá phương thức và huy động nguồn lực. Song, để làm được những việc đó thì phải có đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân một lần nữa nhấn mạnh về vai trò đầu tàu kinh tế đất nước của thành phố.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng đại biểu bên lề hội nghị
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng đại biểu bên lề hội nghị

Theo ông Nhân, trong những năm qua kinh tế thành phố vẫn phát triển tương đối tốt là nhờ những thuận lợi có tính “tự nhiên, lịch sử”. Theo đó, cơ cấu kinh tế thành phố không giống với cả nước. Từ năm 1976, trong cơ cấu kinh tế thành phố, ngành công nghiệp – dịch vụ của đã chiếm hơn 90% và duy trì trong mấy chục năm qua.

Bên cạnh đó, thành phố còn có lợi thế về quy mô lao động lớn, chất lượng cao, năng suất lao động cao; thành phố có lực lượng doanh nghiệp lớn nhất nước (chiếm 1/3); sức mạnh kinh tế tư nhân khá lớn (hiện đóng góp trên 65%); thành phố là trung tâm tài chính lớn nhất nước và có truyền thống sáng tạo.

Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang đối diện nhiều thách thức mà nếu không có cơ chế đặc thù thì không thể giải quyết được. Cụ thể, hạ tầng không theo kịp và đang cản trở sự phát triển của thành phố; biến đổi khí khí hậu và ngập nước; tỷ lệ sinh thấp, người nghiện ma túy tăng, tội phạm cao (số vụ xét xử chiếm 16% cả nước và bằng các tỉnh miền Tây Nam bộ cộng lại...).

Ngoài ra, TPHCM đóng góp cho ngân sách nhiều nhất (27% ngân sách quốc gia, với hơn 80% nguồn thu) nên không đủ để tái đầu tư về kinh tế, hạ tầng...

“Phải làm sao để thành phố đóng góp nhiều nhất thì có khả năng phát triển bền vững về tài chính. Nhiều thách thức mà không có đổi mới thể chế, quan hệ Trung ương địa phương mà tự thành phố thì không thể giải quyết được. Không đổi mới thể chế kinh tế thì không phát triển được”, ông Nhân nhấn mạnh.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho rằng Nghị quyết 54 của Quốc hội được ban hành nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, thách thức để thành phố phát triển nhanh, bền vững và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

“Đột phá về thể chế dẫn đến đột phá về phương thức và huy động nguồn lực để phát triển thành phố. Để làm được những việc đó thì phải đột phá trong bố trí và sử dụng cán bộ. Nếu đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ không có chuyển biến, không có tính đột phá để tạo lực lượng con người thì không làm được những cái trên”, Bí thư Thành ủy đánh giá vai trò quan trọng của công tác cán bộ.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, vấn đề con người, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính phải được khẩn trương thực hiện, từ đó mới có động lực thực hiện các nhiệm vụ khác, tạo được nguồn vốn đầu tư phát triển thành phố.

“Nguồn lực chúng ta tạo ra được thì HĐND TPHCM phải giám sát làm sao cho đúng mục tiêu đặt ra. Hiệu quả, hiệu lực đã đành nhưng phải tiết kiệm, nguồn lực huy động được phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.Ví dụ như đầu tư các tuyến đường vành đai như thế nào, chương trình chống ngập cần nghiên cứu ra sao, giảm ô nhiễm môi trường bắt đầu từ đâu để tạo ra sự lan tỏa...”, bà Tâm nói.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá vấn đề con người đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ khác để phát triển kinh tế thành phố
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá vấn đề con người đóng vai trò quan trọng, tạo động lực thực hiện các nhiệm vụ khác để phát triển kinh tế thành phố

Theo bà Quyết Tâm, nhiệm vụ của HĐND TP là làm sao phải huy động được sự đồng thuận của nhân dân, tạo nhiều kênh lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia, nhà khoa học để phát huy dân chủ trong xã hội.

“Các cơ chế, chính sách cho thành phố được thực hiện phải minh bạch, công khai để người dân vừa tham gia ý kiến vừa góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết 54”, bà Tâm nhấn mạnh.

UBND TPHCM xác định 21 đề án, nội dung thực hiện Nghị quyết 54, trong đó có 13 đề án, nội dung thực hiện thường xuyên theo nhiệm vụ được phân công, 8 đề án cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để Nghị quyết 54 hiệu quả, cần khẩn trương và mọi công việc cơ bản kết thúc vào kỳ họp HĐND TPHCM vào giữa năm 2018 chứ không thể kéo dài hơn nữa, bởi càng kéo dài thì thành phố càng mất cơ hội, vì thời gian thí điểm chỉ có 5 năm.

Dự kiến, vào kỳ họp bất thường của HĐND TPHCM vào giữa tháng 3, UBND TPHCM sẽ trình một số đề án thực hiện Nghị quyết 54 gồm: thu phí đậu xe ở một số quận; thu phí xử lý nước thải công nghiệp; chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học; nâng thu nhập cho cán bộ, công chức đang hưởng lương từ nguồn ngân sách thành phố.

Quốc Anh