1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM thành "biển nước" do sai lầm trong xây dựng đô thị?

(Dân trí) - Sau mỗi trận mưa, đặc biệt thời điểm kết hợp triều cường, TPHCM biến thành "biển nước"... Thực trạng ngập ngày càng nặng chính là hệ lụy của những sai lầm chiến lược xây dựng đô thị và công tác chống ngập hiện nay của TPHCM.

Chặn dòng thoát thủy, lấp hồ điều hòa thì sao không ngập?

Người dân thành phố hiện đang sống chung với ngập lụt khi trời mưa, triều cường dâng
Người dân thành phố hiện đang sống chung với ngập lụt khi trời mưa, triều cường dâng

GS. TSKH Lê Huy Bá nhận định, việc TPHCM ngập lụt là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, vị trí của thành phố trên nền đất yếu, vùng trũng, thấp lại có dạng lòng chảo nên việc thoát thủy rất khó.

TPHCM là "đô thị ngập triều". Nhưng, khi quy hoạch chúng ta chưa nắm bắt được bản chất của đô thị này, chưa rõ bản chất loại đô thị trên nền môi trường sinh thái của đất ngập nước, tính chất đất khu vực nhận nước tiêu thoát, chưa thấy hết được tính mất cân bằng nước của lưu vực đô thị trong quá trình đô thị hóa. Hướng thoát nước chính của thành phố là Tây Bắc – Đông Nam. Nhưng, khi xây dựng đô thị, hướng thoát nước bị chặn nên nước cứ chảy lòng vòng.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, chiến lược xây dựng đô thị của thành phố cũng rất tùy tiện. Việc xây dựng nhiều nhà cao tầng, đường xá ở phía Đông và phía Nam thành phố là sai lầm. Cả việc xây dựng khu Phú Mỹ Hưng cũng là sai lầm. Bởi, thực tế khu vực này là hồ điều hòa tự nhiên. Mà khi chúng ta xây dựng rồi thì lấy gì chứa nước? Cứ một khối đất lấp xuống thì một khối nước tràn lên, làm sao mà không ngập được?
 
Sau khi có khu Nam Sài Gòn, đã tạo cho thành phố như một khối bánh đúc trong một chảo nước. Để xây dựng đô thị, người ta đã lấp 30% diện tích kênh rạch trong thành phố, đây là nguyên nhân không nhỏ gây ngập.

Giáo sư Lê Huy Bá đặt ra câu hỏi, tại sao những khu vực như Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức cao hơn thì không quy hoạch mà lại quy hoạch về phía Đông Nam thành phố? Nếu có quy hoạch thì ở khu quận 7, huyện Nhà Bè thì nên xây cầu cảng, nhà nổi.
Người đàn ông ngồi tát nước ra khỏi nhà sau cơn mưa lớn
Người đàn ông ngồi tát nước ra khỏi nhà sau cơn mưa lớn

Theo GS Lê Huy Bá, vấn đề chống ngập cũng sai lầm chiến lược. Con người ta phải phải sống chung với thảm họa môi trường, biết né tránh thiên nhiên, lợi dụng thiên nhiên một các tối đa. Chúng ta không thể chống lại thiên nhiên.

Việc ngồi vẽ ra một công trình bờ đê thì rất dễ. Nhưng vấn đề là đất đâu mà đắp, nếu bê tông hóa thì bê tông hóa bằng cái gì? Rất tốn kém. Hay có ý kiến cho rằng phải khoanh vùng trung tâm lại để chống ngập, điều này lại càng không thể. Bởi, diện tích đâu mà đắp đê, đất đâu mà đắp và kinh phí đâu mà làm?

“Người ta đã giải quyết bài toán ngập theo biện pháp công trình mang tính cục bộ: ngập đâu đắp đó, ngập đâu bơm hút ở đó, mà hậu quả là giải quyết ổn chỗ này lại ngập chỗ kia, giống như vá một ruột xe đã quá cũ nát, vá được chỗ này lại xì hơi chỗ kia. Các điểm ngập không những không bị xóa sổ mà mỗi ngày một tặng cả về số lượng lẫn mức độ ngập. Thành phố đã đầu tư rất nhiều tiền cho công tác chống ngập nhưng lại không mang lại hiệu quả. Trong khi đó, tình hình ngập lại ngày nặng nề hơn”, Giáo sư Lê Huy Bá cho rằng việc chống ngập hiện nay đang rơi vào vòng luẩn quẩn.

Chống ngập, chiến lược lâu dài phải có hồ điều hòa

Giáo sư Lê Huy Bá khẳng định việc chống ngập phải có một chiến lược cao hơn chứ không thể làm theo kiểu “du kích”, thiếu tính thống nhất. Trước cũng có nhiều dự án được thông qua rồi xây dựng, nghiệm thu nhưng rõ ràng không có tính khoa học và hiệu quả mang lại không cao, mà kinh phí thì rất nhiều.

Muốn chống ngập ở "đô thị ngập triều" như TPHCM thì phải bảo tồn khu hệ thống hồ tự nhiên hoặc được thay thế bằng những hồ điều hòa nhân tạo có dung tích tương đương. Bên cạnh đó phải đảm bảo dòng lưu thoát.

Về lâu dài phải xây dựng các hồ điều hòa dạng chìm ở nơi có điều kiện địa hình cho phép như công viên, dưới bùng binh, dưới vườn hoa, thậm chí là sân vận động, nghĩa là dưới lòng đất có hồ chứa, trên mặt đất vẫn là công viên, vườn hoa, tiểu đảo. Việc xây dựng hồ điều hòa ở ngoại thành thì dễ hơn, nhưng ở trung tâm cũng phải cố gắng tận dụng triệt để nơi nào có khả năng thực hiện.

Còn đối với vùng thấp thì xây hồ ở dạng chìm – hở, chứa nước chưa kịp tiêu thoát; sau đó khi triều rút, cho nước tự chảy. Còn những vùng khác thể xây dựng hồ điều hòa hở - chìm. Trên cơ sở đó, từng bước xây dựng những hồ này thành hồ sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, nâng cao thẩm mỹ sinh thái đô thị những nơi có thể.

Một giải pháp quan trọng khác, đối với hệ thống cống thoát nước đã có phần “lạc hậu”, thì thành phố chỉ có thể từng bước thay thế dần dần ống đường lớn hơn. Vì hiện với hơn 3.200km ống cống kinh phí sẽ rất khổng lồ và kéo theo nhiều vấn đề khác mà trong một sớm một chiều không thể giải quyết nổi. Việc có hệ thống cống lớn hơn rất quan trọng bởi ngoài việc thoát nước thì đây có thể xem là hồ chứa nước tạm thời.

Người đàn ông ngồi tát nước ra khỏi nhà sau cơn mưa lớn
Trẻ em phải bì bõm lội nước khi đến trường hay về nhà sau mỗi cơn mưa, trong khi hệ thống cống thoát nước đang được thi công nằm ngổn ngang trên đường
Đối với khu vực, ngập do mưa, không do triều, thì cần làm thêm các mạng đường cống nối từ nơi này sang nơi khác, tạo thành mạng thoát nước. Tạo hệ thống cống lấy và dẫn nước mưa vùng phía Bắc trực tiếp ra sông Sài Gòn, không cho đi qua vùng trung tâm nữa. Cố gắng tối đa để tạo cho hệ thống thoát có khả năng tự chảy. Một số biện pháp khác như là tăng khả năng thẩm lậu, dẫn nước xuống túi nước ngầm.

Bên cạnh đó, tuyệt đối không phát triển khu trung tâm thành nhiều nhà cao tầng. Bởi nhà cao tầng thì sẽ gây sụt lún mạnh, càng sụt lúng thì càng phá vỡ hệ thống nước ngầm và thấm nước. Đối với những hộ dân ở những vùng quá trũng, ngập quá nặng có thể di dời đến vùng cao hơn. Thậm chí trong tương lai, để xử lý nước mang tính tập trung, một số khu vực dân cư có thể đối diện với cảnh sống chung với lũ. Tất nhiên, khi đó con người ta ở thế chủ động nên có thể xử lý tốt. Bản thân người dân khi sống ở khu vực biết là sẽ ngập thì sẽ phải lên phương án thích nghi với cảnh lụt như hy sinh tầng trệt, thậm chí có mùa phải di chuyển bằng thuyền, ghe…

Thành phố không cho xây dựng những nhà máy, khu công nghiệp ở vùng trũng nữa. Các biện pháp hành chính – xã hội là không được phép lấp thêm một mét kênh rạch nào nữa, giải phóng triệt để lấn chiếm mặt thoáng hiện có của kênh rạch.

“Các theo dõi gần đây chứng tỏ độ ngập của thành phố ngày một tăng, trong tương lai gần, nước biển dâng thì đô thị ngập triều ta tính sao đây, khi mà ngập này là ngập mặn, ngập bẩn chứ không chỉ là ngập ngọt nữa rồi? Ngập lụt đô thị là bài toán khó. Chúng ta cùng nhau bàn bạc, thành phố phải tập họp các nhà khoa học lên phương án, cùng nhau đưa ra lời giải có thể chấp nhận. Đó là việc làm cấp thiết. Mọi bảo thủ, giải thích mơ hồ đều vô nghĩa!”, giáo sư Lê Huy Bá cho rằng tuy có hơi muộn nhưng nhất quyết phải làm nếu không muốn thành phố sống trong cảnh ngập.

Giáo sư Lê Huy Bá đề xuất một hướng ra cho tình trạng ngập của TPHCM hiện nay: Có thể đào một kênh đủ lớn, chạy thành một vòng đai nhận nước cho thành phố, vành đai này càng ưu tiên ở vũng trũng, khu đang đô thị hóa và điểm đầu sẽ nối với sông Sài Gòn, điểm cuối thông ra sông Nhà Bè. Vành đai này kết hợp xây dựng cảnh quan để khai thác du lịch. Tất nhiên việc này phải nghiên cứu sâu và đòi hỏi kinh phí lớn.

 
Quốc Anh