1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM tạo nguồn thu từ quỹ đất dọc tuyến metro

(Dân trí) - TPHCM sẽ điều chỉnh quy mô và lập mới các đồ án thiết kế riêng, quy hoạch chi tiết đối với 21 vị ví tại các nhà ga dọc tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương để thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vừa có chỉ đạo về việc phát triển đô thị xung quanh tuyến metro để tạo nguồn thu từ quỹ đất.

TPHCM tạo nguồn thu từ quỹ đất dọc tuyến metro - 1

TPHCM nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc tuyến metro để tạo nguồn thu ngân sách

Theo đó, Chủ tịch UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về tổ chức, nghiên cứu thực hiện điều chỉnh quy mô và lập mới các đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) đối với 21 vị trí đề xuất tại các nhà ga dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể phân kỳ giai đoạn trình phê duyệt điều chỉnh quy mô 21 đồ án (phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2020), đề xuất phương án đầu tư, phương án tài chính cụ thể gắn từng vị trí để thu hút các nhà đầu tư, tiến độ thực hiện... và báo cáo UBND TP trong tháng 11 này.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ngành cần tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, phối hợp với Ban Quản lý Đường sắt đô thị để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ hoàn thành theo kế hoạch các tuyến metro.

Đối với công tác điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu tuyến metro số 1 và số 2, lãnh đạo UBND TP  giao Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án tổ chức thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND TP phê duyệt trước ngày 10/11.

Chủ tịch UBND TP giao Ban Quản lý Đường sắt đô thị tổ chức đấu thầu theo kế hoạch, đảm bảo đúng quy định và tiến độ cam kết với nhà tài trợ. Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 hoàn thành trước ngày 30/6/2020. 

Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, dự kiến, tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng. 

Theo đó, tổng mức đầu tư dự án điều chỉnh là hơn 47.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) là hơn 41.830 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là hơn 5.490 tỷ đồng. 

Thời gian thực hiện dự án (dự kiến) là từ 2007-2026. Trong đó, bắt đầu thực hiện dự án là tháng 3/2007; hoàn thành dự án và đưa vào khai thác là quý 4/2021; thời điểm kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng là năm 2026.  

Trong khi đó, tuyến số 2 dự kiến điều chỉnh tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD và về đích năm 2026.

 Quốc Anh