TPHCM: Tăng quyền cho Chủ tịch khi thành phố chỉ còn một cấp chính quyền?

Thái Anh

(Dân trí) - Mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM chỉ duy trì HĐND, UBND đầy đủ tại cấp thành phố. Tại cấp quận, phường, cơ quan hành chính được tổ chức chỉ gồm UBND, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng…

Trình dự thảo Nghị quyết về tổ chức  chính quyền đô thị tại TPHCM trước Quốc hội chiều 26/10, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày mục tiêu là nhằm tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị tại thành phố lớn nhất cả nước tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân.

TPHCM: Tăng quyền cho Chủ tịch khi thành phố chỉ còn một cấp chính quyền? - 1
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM trước Quốc hội.

Nghị quyết ra đời cũng nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của thành phố; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. 

“Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định.

Nêu lý do không “thí điểm”, ông Tân giải thích, dự thảo Nghị quyết được xây dựng sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã có hiệu lực, trong đó đã quy định chính quyền địa phương ở quận, phường là cấp chính quyền địa phương, trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.

Mặt khác, ông Tân nhấn mạnh, trước đây TPHCM là một trong 10 địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Kết thúc giai đoạn thí điểm, TPHCM đã tổng kết việc thực hiện thí điểm và rút ra các bài học kinh nghiệm.

“Đây là một trong các cơ sở để Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM mà không thực hiện thí điểm” – ông Tân nhìn nhận.

Nêu quan điểm của UB Pháp luật về việc này, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố.

“Dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép TPHCM thực hiện chính thức hay thí điểm thì đều là cơ sở pháp lý cần thiết để thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới” – ông Tùng nói.

Chủ tịch quận, phường làm việc theo cơ chế thủ trưởng

Đề cập đến những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, dự thảo Nghị quyết gồm 12 điều, trong đó Điều 1 quy định Chính quyền địa phương ở TPHCM gồm có HĐND và UBND thành phố.

Điều này cũng quy định chính quyền địa phương ở quận tại TPHCM là UBND quận; chính quyền địa phương ở phường tại TPHCM là UBND phường.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của TPHCM (bao gồm: huyện, thành phố thuộc TPHCM; xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM, dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của HĐND quận, phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố, UBND quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Liên quan đến quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND quận; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND quận, dự thảo Nghị quyết thiết kế các quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của UBND quận tại TPHCM.

Theo đó, UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, hiện UBND TPHCM đang xây dựng Đề án về thành lập thành phố thuộc TPHCM, dự kiến báo cáo Chính phủ và trình UB Thường vụ Quốc hội trong năm 2020.

Theo đó, thành phố thuộc TPHCM sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này cũng sẽ thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân). Vì lẽ này, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TPHCM.

Quy định về cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND phường, dự thảo Nghị quyết đã quy định về cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của UBND phường tại TPHCM.

Theo đó, UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Cán bộ, công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND phường tại TPHCM thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp  trên.