TPHCM sẽ thanh tra Samco về "phi vụ" liên danh với công ty nước ngoài
(Dân trí) - Theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, thành phố sẽ thanh tra việc liên danh của Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn – TNHH MTV (Samco) với một công ty nước ngoài.
Tại buổi họp báo thường kỳ của UBND TPHCM tháng 10 diễn ra ngày 1/11, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho biết, đã nghe phản ánh của báo chí cũng như một số cán bộ của Samco về việc tổng công ty này liên danh với Mercedes để thành lập nhà máy lắp ráp ô tô và làm ăn thua lỗ. Theo ông Hoan, Thành phố sẽ tiếp tục cho thanh tra về liên danh này.
Liên quan đến kết quả thanh tra tại Samco, ông Hoan cho biết, kết luận đã có trao đổi, ý kiến của lãnh đạo thành phố sau buổi làm việc với các sở, ngành và đại diện Samco.
“Có thể lúc đầu họ có ý kiến khác nhưng khi làm việc cùng lãnh đạo thành phố thì Samco cũng đã đồng tình với kết luận”, ông Hoan nói.
Do đó, trước thông tin phản pháo kết luận thanh tra của ông Trần Quốc Toản – Tổng giám đốc Samco mà báo chí thông tin, ông Hoan cho biết nếu có phản ứng thì chỉ có thể là của một người chứ không phải tập thể lãnh đạo Samco và không đáng quan tâm.
Chánh văn phòng UBND TPHCM nói về kết luận vụ Samco
Trước đó, theo thanh tra thành phố, công ty thành viên của Samco là Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông có nhiều sai phạm khi bị thanh tra.
Bến xe Miền Đông đã không thu phí dịch vụ của hàng chục ngàn lượt xe xuất bến trong 3 năm liên tiếp (2015 – 2017). Ngoài ra, Bến xe Miền Đông cho các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh và sử dụng lại một phần nhà văn phòng không đúng theo quy định từ tháng 11/2015 đến tháng 11/2017.
Ông Trần Quốc Toản trả lời báo chí sau kết luận thanh tra (ảnh: Đại Việt)
Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Samco cho biết, ngay sau khi có kết luận của Thanh tra TP thì Bến xe Miền Đông đã gửi văn bản đến Tổng Cục Đường bộ Việt Nam để xin ý kiến nhằm giải trình với lực lượng thanh tra.
Theo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, trong thực tế, đối với các xe có thời gian chờ vào vị trí đón khách lâu thường được bến xe cho ra đỗ ở ngoài bến hoặc giải quyết cho xe ra ngoài bến để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, rửa xe, đổ nhiên liệu… và chỉ cần vào lại bến xe trước thời gian được bố trí vào vị trí đón khách theo quy định. Trong trường hợp này, các bến xe chỉ tính là một lần xe ra, vào bến và chỉ thu giá dịch vụ xe ra, vào bến một lần.
Về việc cho thuê mặt bằng kinh doanh quầy vé, dịch vụ ăn uống, trung tâm thương mại thì Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng Bến xe Miền Đông cho các đơn vị vận tải thuê quầy vé tại bến xe là đúng với quy định. Các công trình trung tâm thương mại, nhà hàng phục vụ ăn uống là công trình được khuyến khích đầu tư xây dựng tại bến xe.
Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động các dịch vụ nói trên phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
“Việc cho thuê mặt bằng tại Bến xe Miền Đông không đúng quy định trong 3 năm thì chúng tôi đã xin ý kiến UBND TP và UBND TP đã đồng ý cho chúng tôi khắc phục. Chúng tôi sai là sửa liền, không tiêu cực, không làm trái quy định và không gây hậu quả”, ông Toản nói.
Quốc Anh – Phạm Nguyễn