1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM quyết tâm hạn chế xe cơ giới cá nhân

(Dân trí) - TPHCM sẽ hạn chế xe cơ giới cá nhân bằng các biện pháp kinh tế và hành chính như thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm; kiểm tra khí thải đối với mô tô và xe gắn máy…

TPHCM quyết tâm hạn chế xe cơ giới cá nhân - 1

Kẹt xe là nỗi ám ảnh hàng ngày đối với người dân TPHCM (ảnh: Đình Thảo)

Chiều ngày 11/7, HĐND TPHCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành phiên họp cuối của kỳ họp thứ 20.

Tại phiên họp, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận và thống nhất thông qua đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM do UBND TP trình lên.

TPHCM quyết tâm hạn chế xe cơ giới cá nhân - 2
Các đại biểu HĐND TP đã thống nhất thông qua đề án

Cụ thể, đề án sẽ thực hiện đồng bộ 27 giải pháp, chia thành 3 nhóm chính là: 17 giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng; 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông; 7 giải pháp hỗ trợ.

Trong đó; 3 giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân là những giải pháp gây tranh cãi lớn nhất trong nhiều năm qua đã được đề án nêu ra và các đại biểu HĐND TP đã thông qua.

Cụ thể, TP sẽ áp dụng 2 giải pháp đánh vào kinh tế là: thực hiện tổ chức thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố; kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện cơ giới đường bộ (ô tô, xe mô tô và xe gắn máy hai bánh), thực hiện thí điểm kiểm tra khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Ngoài ra, đề án còn nêu ra một giải pháp hành chính là sẽ kiểm soát hoạt động của xe mô tô và xe gắn máy hai bánh phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và năng lực hệ thống giao thông công cộng. Tức là sẽ hạn chế các phương tiện này ở 1 số khu vực hợp lý.

TPHCM quyết tâm hạn chế xe cơ giới cá nhân - 3
Khu vực đã từng được đề xuất thu phí xe ô tô khi ra vào

Các đại biểu HĐND TP cũng lưu ý các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân này chỉ được thực hiện kết hợp song song với các giải pháp phát triển vận tải công cộng, triển khai khi đạt đủ điều kiện yêu cầu và phải trưng cầu ý kiến HĐND TP khi thực hiện các giải pháp ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Theo đề án, để có thể hạn chế xe ô tô vào trung tâm cũng như cấm xe máy ở 1 số khu vực thì giao thông công cộng ở khu vực đó phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.

Do đó, các giải pháp chính của đề án vẫn là phát triển vận tải công cộng với 17 giải pháp như: Đưa vào khai thác 3 tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 5 và 1 xe buýt nhanh; Đầu tư tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành; Phát triển xe điện, bánh hơi, đường sắt nhẹ; Phát triển taxi thuỷ, buýt thuỷ; Phát triển hệ thống xe buýt nhỏ dưới 17 chỗ; Xây dựng hệ thống xe đạp công cộng, xe gắn máy điện công cộng, xe điện; Tổ chức giao thông ưu tiên cho xe buýt như bố trí làn đường riêng, hoặc là ưu tiên cho xe buýt…

Đồng thời, TP cũng sẽ áp dụng thêm các giải pháp hỗ trợ như: quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giảm mật độ dân số khu vực trung tâm, hình thành các đô thị vệ tinh; Tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm thành phố; Thực hiện bố trí sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca,...

Lộ trình thực hiện đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025 sẽ tập trung mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo kết nối các khu đô thị khu công nghiệp đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn. Đồng thời thực hiện các giải pháp làm cơ sở tiến tới triển khai kiểm soát phương tiện vận tải cơ giới cá nhân; tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy hai bánh tại khu vực trung tâm.

Giai đoạn 2026-2030 sẽ ưu tiên đầu tư các phương thức vận tải khối lượng lớn. Các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân và các giải pháp hỗ trợ sẽ được khai đồng bộ, tiến tới tổ chức lại lưu thông xe mô tô và xe gắn máy hai bánh tại một số khu vực.

Theo đơn vị soạn thảo đề án, TPHCM đang đứng trước những vấn đề khó khăn về giao thông đô thị, đặc biệt là phương tiện cơ giới cá nhân tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp so với nhu cầu đi lại của người dân. Đặc biệt là tình hình ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải, cũng như việc gia tăng các phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân đô thị.

Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM đã được các cơ quan chức năng, chuyên gia bàn thảo nhiều năm nay, Sở GTVT đã nhiều lần soạn thảo, lấy ý kiến và hoàn tất dự thảo trình UBND TP. Sau khi Thường trực UBND TP đã thống nhất thông qua nội dung dự thảo, Ban cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo Ban thường vụ Thành ủy xem xét và cho ý kiến.

Tuy nhiên, đây là một đề án quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, nhiều nội dung liên quan tới quyền lợi đời sống hàng ngày của người dân nên UBND TP tiếp tục trình HĐND TP xem xét thông qua. Và chiều 11/7, các đại biểu HĐND TPHCM đã thống nhất thông qua đề án này.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn