1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM muốn “tự quyết” dự án đường sắt đô thị

(Dân trí) - Dự án đường sắt đô thị với đặc thù vốn đầu tư lớn, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, do Thủ tướng phê duyệt. Thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai dự án tuyến metro số 1, 2 nhưng chậm tiến độ và “đội vốn” khủng so với phê duyệt ban đầu.

UBND TPHCM vừa gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam.

Tuyến metro đầu tiên của TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành vào năm 2020
Tuyến metro đầu tiên của TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến hoàn thành vào năm 2020

Theo đó, nguồn vốn để thực hiện quy hoạch đường sắt quốc gia trên địa bàn thành phố là rất lớn trong khi ngân sách còn hạn hẹp, dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thực hiện quy hoạch. Đây cũng là lĩnh vực chưa có sức hấp dẫn kêu gọi xã hội hóa.

Trong khi đó, tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố là 220km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 25 tỷ USD. Hiện, chỉ có tuyến số 1 và số 2 được triển khai đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tuyến số 5 (giai đoạn 1) đã có cam kết tài trợ hoàn thiện thiết kế cơ sở và dự án đầu tư.

Tuy nhiên, UBND TP cho rằng thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các Bộ, ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm, thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm từ khâu đề xuất ý tưởng cho đến khi ký điều ước quốc tế. Do đó, khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt đô thị của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số quy định về đầu tư theo luật pháp Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian để xin ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Đường hầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đoạn nối ga Ba Son với ga Nhà hát TP)
Đường hầm tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (đoạn nối ga Ba Son với ga Nhà hát TP)

Theo quy định, UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt đô thị trên địa bàn quản. Tuy nhiên, các dự án đường sắt đô thị với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỷ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Do đó thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, UBND TP kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị.

Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020 vì thiếu vốn. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024). Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Trong khi tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng (tăng thêm 87%) thì tuyến số 2 tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng thêm 58%).

Quốc Anh