"TPHCM lấy lại nhịp đập trái tim nhờ sự chi viện từ mọi miền cả nước"
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, thành phố đang dần khỏe lại, lấy lại sức sống và nhịp đập trái tim. Thành quả trên có được bởi sự chi viện to lớn từ các lực lượng trên mọi miền đất nước.
Sáng 6/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng ban lãnh đạo Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham dự lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Mở đầu buổi lễ, các đại biểu có mặt đã dành phút tưởng niệm nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch và những người đã mất vì Covid-19 tại TPHCM.
Trong nhiều tháng qua, kể từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, TPHCM đã nhận được sự chi viện lớn từ các bộ, ngành Trung ương cùng các tỉnh thành. Hưởng ứng lời kêu gọi của các bộ, ngành Trung ương, hơn 6.700 y, bác sĩ, 16.700 cán bộ, chiến sĩ quân đội, hơn 4.000 giảng viên, sinh viên trên cả nước đã xuất quân lên đường với tinh thần vì miền Nam ruột thịt.
Lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên đã lao vào những nơi nóng nhất trong đại dịch là trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện điều trị Covid-19. Trước lằn ranh giữa sự sống và cái chết, họ vẫn dồn hết nhiệt huyết, quyết tâm và chưa hẹn ngày về.
Thành phố đã lấy lại sức sống
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chia sẻ, những ngày gần đây, thành phố đã phần nào lấy lại được sức sống, nhịp đập trái tim của một cơ thể đang dần khỏe lại. Thành quả trên đến từ sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự nỗ lực, kiên trì của mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là sự đóng góp, chi viện to lớn từ các lực lượng trên mọi miền đất nước.
"Trong suốt 2 tháng qua, cuộc chiến đấu với Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam bước vào những ngày tháng vô cùng căng thẳng, khốc liệt. Khi số ca mắc mới và tử vong ngày càng tăng cao, các bệnh viện dần quá tải, lực lượng y tế làm việc ngày đêm mà chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị bệnh nhân", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, các đoàn y, bác sĩ đã tới chi viện cho TPHCM không chút do dự, xa cha mẹ già yếu, con nhỏ, thậm chí không kịp về nhà vĩnh biệt người thân. Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, những hình ảnh đó sẽ còn in đậm và mãi lưu giữ trong lòng người dân thành phố.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng bày tỏ sự tri ân đến hơn 12.000 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên y tế và hơn 14.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã đồng hành suốt thời gian qua.
"Những bài học, buồn vui, những điều đúng và chưa đúng, được và mất sẽ trở thành bài học quý cho chính TPHCM cùng các địa phương trong công tác phòng, chống dịch", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ, dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, thành phố có thể sẽ phải trải qua thêm nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của cả dân tộc, thành phố chắc chắn sẽ cùng cả nước chiến thắng đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường mới.
Nhìn lại đợt bùng phát dịch thứ 4
Báo cáo kết quả phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, với sự chi viện lớn từ Trung ương, TPHCM đã đạt nhiều kết quả quan trọng về dịch tễ trong đợt bùng phát dịch lần này.
Nhìn lại quá trình phòng, chống dịch của thành phố, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, ngày 29/4, địa bàn ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong đợt bùng phát dịch thứ 4 tại quận Bình Tân. Đến ngày 18/5, TPHCM tiếp tục phát hiện 2 ca nhiễm trong cộng đồng tại quận 7 và thành phố Thủ Đức.
Đến ngày 20/5, ngành y tiếp tục ghi nhận ổ dịch tại quận 3 là người trong một gia đình. Ngay sau đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát với chuỗi ca nhiễm liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng. Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 không ngừng nghỉ của thành phố đông dân nhất cả nước bắt đầu từ thời điểm ấy.
"Đầu tháng 8, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng đột biến, ngành y tế có thời điểm chưa theo dõi được toàn bộ F0, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Bộ Y tế đã dồn toàn bộ nhân lực tinh nhuệ nhất cùng TPHCM gấp rút xây dựng các trung tâm hồi sức tích cực ở tầng 3 nhằm tập trung điều trị ca nguy kịch, giảm tỷ lệ tử vong", Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói.
Đối với các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến đầu, TPHCM đã xây dựng mô hình điều trị 3 tầng hiệu quả. Từ đó đến nay, các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 liên kết chặt chẽ với tầng một và tầng 2, tạo sự thông suốt, đảm bảo hiệu quả.
Các tầng của hệ thống điều trị thường xuyên hội chẩn các ca nặng, tổ chức đào tạo, tập huấn và trực tiếp chi viện kịp thời. Số ca nặng và tử vong trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu được kéo giảm từng ngày.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đạt độ bao phủ vaccine Covid-19 cao với 95% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi một, hơn 45% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế.
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, chia sẻ thời gian gần đây ngành y tế trên địa bàn đã chuyển hướng tập trung cao cho công tác điều trị từ cơ sở. Cụ thể, bên cạnh công tác xét nghiệm nhanh, các phường, xã tổ chức cấp phát thuốc, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà.
"Mô hình này đã phát huy hiệu quả rõ nét. Nhờ được cách ly, điều trị tại nhà, các F0 giảm bớt căng thẳng về mặt tâm lý, số ca chuyển nặng, tử vong cũng có xu hướng giảm, hạn chế được áp lực lên các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định.
Những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch
Dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên TPHCM vẫn tồn tại một số hạn chế cần nhìn nhận trong quá trình phòng, chống dịch vừa qua. Cụ thể, với đặc điểm dịch đã thâm nhập sâu trong cộng đồng, tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm, việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng còn chưa đạt kỳ vọng.
Bên cạnh đó, nguồn lực còn hạn chế khiến thành phố khó khăn trong việc triển khai xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng, doanh nghiệp thời gian tới.
Trong công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương và sở, ngành còn có lúc hạn chế, còn tình trạng địa phương từ chối tiêm cho người lao động. Công tác nhập liệu thông tin tiêm chủng còn chậm, chưa đầy đủ, dẫn đến quản lý đối tượng tiêm chủng chưa hoàn chỉnh.
Ngoài ra, nguồn vaccine Covid-19 phân bổ cho TPHCM còn chưa đáp ứng được nhu cầu và năng lực tiêm chủng của thành phố.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng thẳng thắn chỉ ra những bài học kinh nghiệp mà địa phương cần khắc phục trong công tác điều trị. Một số nơi còn lo lắng thái quá, thậm chí kỳ thị, hiểu sai chủ trương "bóc tách F0", dẫn đến việc bệnh nhân Covid-19 dù đủ điều kiện vẫn không được cách ly tại nhà.
"Vấn đề trên gây ra sự bức xúc trong nhân dân và khiến người dân không tự giác khai báo khi biết mình bị bệnh. Việc tiếp nhận và báo cáo kết quả xét nghiệm nhanh dương tính chưa kịp thời, đầy đủ cũng ảnh hưởng đến công tác quản lý, chăm sóc F0", ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu đánh giá.