1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Làm đường quên làm cống, nông thôn mới lại ngập nặng nhất!

(Dân trí) - Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 9/5, Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú - Chủ tịch UBND huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết: "Ngập khu dân cư là do làm đường giao thông quên làm cống”. Đáng nói, tình trạng này xảy ra ở Tân Thông Hội là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới và mùa mưa vừa qua ngập nhiều nhất...

Cũng trong khuôn khổ buổi tiếp xúc của tổ đại biểu Quốc hội số 9 với cử tri huyện Củ Chi (TPHCM) ngày 9/5, nhiều cử tri bức xúc phản ánh đến tổ đại biểu Quốc hội các vấn đề dân sinh, như: Tình trạng ngập nước, quy hoạch treo, kẹt xe… đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế địa phương.

 Tổ đại biểu Quốc hội số 9 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi
Tổ đại biểu Quốc hội số 9 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi

Cử tri Huỳnh Hoàng Mai (xã Hòa Phú) nêu bức xúc về việc đền bù giải tỏa cho người dân ở khu công nghiệp Đông Nam. Bà mong muốn cấp thẩm quyền sớm giải quyết dứt điểm vì nhiều năm liền kiến nghị mà chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.

Trong khi đó, cử tri Lê Văn Vũ (xã Hòa Phú) phản ánh tình trạng ngập nước cục bộ ở xã Hòa Phú, Bình Mỹ. Theo ông, xây dựng đường giao thông mà không có dự án thoát nước, mỗi khi trời mưa là ngập.

Trả lời những bức xúc của cử tri, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi – cho biết tình trạng ngập do không có cống thoát nước không chỉ diễn ra ở xã Hòa Phú, Bình Mỹ mà còn ở xã Tân Thông Hội – xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới.

“Làm đường giao thông mà quên mất làm cống thoát nước nên ngập. Mùa mưa vừa qua, có thể nói Tân Thông Hội là nơi ngập nặng nhất, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân”, ông Phú nói.

Để tránh tái diễn tình trạng trên, ông Phú yêu cầu các địa phương khi xây dựng đường giao thông phải có quy hoạch cống thoát nước. Hiện nay, một số đề án thoát nước cho xã Bình Mỹ, Hòa Phú đã có. Ông Phú đề nghị Khu quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở Giao thông vận tải TP) sớm báo cáo, trình UBND TP đưa nội dung này vào chương trình triển khai năm 2017 để bố trí vốn, xây dựng cống thoát nước cho bà con.

Về đền bù giải tỏa, ông Phú cho biết đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong đền bù giải tỏa ở khu công nghiệp Đông Nam. Theo ông, hiện nay còn 37 hộ vẫn còn khúc mắc trong chính sách đền bù và các đơn vị liên quan vẫn đang đối thoại để giải quyết ổn thoải.

Cử tri huyện Củ Chi phản ánh tình trạng ngập nước cục bộ vì đường làm đường giao thông mà không có cống thoát nước
Cử tri huyện Củ Chi phản ánh tình trạng ngập nước cục bộ vì đường làm đường giao thông mà không có cống thoát nước

Liên quan đến vấn đề quy hoạch treo, ông Phú cho biết qua rà soát thì trên địa bàn huyện có 92 điểm quy hoạch chưa hợp lý. Huyện đã báo cáo lên Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhưng qua gần 1 năm chỉ mới điểu chỉnh, giải quyết 37 điểm. Theo ông, tiến độ giải quyết như trên là chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.

Về một số ý kiến cử tri đề cập đến việc gặp khó khăn trong việc tách thửa, thừa kế đất đai, ông Phú cho rằng chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết thỏa đáng cho người dân, trường hợp nào cán bộ vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm.

“Tại sao bà con nói có đất mà cho con cái không được. Ai nói, chủ tịch xã nào nói thì tôi cách chức. Đó là quyền thừa kế. Còn cán bộ tư pháp mà nói không cho được thì sai luật”, ông Phú thẳng thắn.

Theo ông, hiện nay TP có quyết định 33 giải quyết vấn đề tách thửa cho người dân. Theo quy định, đối với khu vực huyện Củ Chi, đất chưa có nhà thì diện tích đất tổi thiểu 120m2, rộng không dưới 7m là được tách. Còn đất có nhà thì diện tích không dưới 80m2 thì được tách. Riêng những trường hợp gia đình thực sự khó khăn thì địa phương sẽ tìm hiểu và giải quyết hợp tình, hợp lý.

“Đề nghị các xã nắm chắc tình hình, xác định hộ nào thực sự khó khăn để giải quyết. Tránh trường hợp kẻ xấu lợi dụng tách thửa để phân lô, bán nền”, ông Phú nói. Theo ông, liên quan đến vi phạm trong phân lô, bán nền đã cách chức 1 bí thư, 1 chủ tịch xã và 3 phó chủ tịch.

Quốc Anh