TPHCM kiến nghị chi thêm gần 3.700 tỷ đồng cho tuyến metro số 1
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án giao thông, trong đó có việc bổ sung vốn ODA gần 3.700 tỷ đồng cho tuyến metro số 1 để đảm bảo tiến độ dự án.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc chiều 20/7, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, tính đến ngày 15/7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, đạt 45,18% kế hoạch vốn đã giao (cao hơn cùng kỳ).
Tính đến hết tháng 7/2019, giải ngân 7.717 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao là 33.771 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, mặc dù hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM cao hơn tỷ lệ giải ngân chung của toàn quốc, nhưng trong quá trình thực hiện vừa qua, thành phố đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.
Do đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết đế đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhằm giúp quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thời kỳ sau dịch Covid-19.
Theo đó, đối với dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Phong kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2021.
Kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 của dự án là 7.500 tỷ đồng, lũy kế giải ngân kế hoạch trung hạn là 3.823 tỷ đồng, chưa được bố trí 3.676 tỷ đồng.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí của dự án để tiếp tục thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập đảm bảo không tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Dự kiến, thực hiện giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng, mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Về dự án đường Vành đai 3 và đường Vành đai 4, UBND TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA theo đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long, để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Đối với dự án đường Vành đai 4, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Trong giai đoạn 2020-2025, cần thông qua chủ trương đầu tư để có cơ sở xác định ranh giải phóng mặt bằng, xác định nguồn vốn đầu tư, kêu gọi đầu tư, triển khai xây dựng trong giai đoạn sau năm 2025.
Ghi nhận thực tế đến thời điểm hiện tại, tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín 50/64 km, Vành đai 3 mới chỉ đầu tư được 16,3/89,3 km (18%) và Vành đai 4 vẫn chưa được xây dựng.
UBND TPHCM cũng xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án xây dựng Cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
Quốc Anh