1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Gạch men có chất phóng xạ?

Thông tin về một số loại gạch men trên thị trường có lượng phóng xạ vượt mức cho phép từ TS Trần Văn Luyến đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ngày 16/6, Ban giám đốc Trung tâm Hạt nhân TPHCM đã triệu tập một cuộc họp giữa Hội đồng khoa học của trung tâm để nghe TS Luyến trình bày cụ thể về kết quả này.

Chỉ là kết quả nghiên cứu bước đầu

Nghiên cứu về hàm lượng phóng xạ trên vật liệu xây dựng (VLXD) không phải là mới mẻ trên thế giới thế nhưng tại Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào về vấn đề này.

Theo TS Luyến, những kết quả đo đạc về hàm lượng phóng xạ trên một số loại VLXD của ông chỉ là nghiên cứu của riêng cá nhân ông, thực hiện từ tháng 9.2005 đến 5.2006,  chỉ mới là những bước đầu cho đề tài Chất phóng xạ trên VLXD mà ông đã đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (đề tài này vẫn còn đang được xét duyệt).

Có 3 loại gạch ốp-lát được TS Luyến cho biết có liều hiệu dụng trung bình hằng năm (tạm hiểu là mức độ phát xạ của vật liệu hằng năm) cao gồm: một loại gạch lát (1,16 mSv/năm), gạch men trắng (1,22 mSv/năm), gạch men nâu (1,66 mSv/năm). Theo TS Luyến, liều hiệu dụng trung bình hằng năm cho phép trên thế giới hiện nay là 1 mSv/năm.

 

Việt Nam hiện vẫn chưa có quy chuẩn về vấn đề này.

Thí nghiệm của TS Luyến tiến hành trên 20 mẫu gạch men được chọn mua ngẫu nhiên trên thị trường. Kết quả cho thấy có 3 loại gạch có hàm lượng phóng xạ cao hơn bình thường.

TS Luyến cho biết: "Tôi biết đây là một thông tin nhạy cảm, công bố ra dư luận sẽ có nhiều điều không hay cho bản thân tôi. Sở dĩ tôi chấp nhận công bố nó là vì trách nhiệm của một nhà khoa học với cộng đồng và để cảnh báo về một vấn đề mà lâu nay chúng ta vẫn chưa quan tâm. Tôi sẽ chịu trách nhiệm cá nhân về các số liệu mà mình đã đưa ra trên những mẫu thử mà tôi đã dùng để tiến hành thí nghiệm".

"Dù hàm lượng phóng xạ thu được trên vài loại gạch có vượt mức cho phép nhưng đó chỉ là số liệu trong phòng thí nghiệm. Trong môi trường cuộc sống hằng ngày thì hàm lượng phóng xạ này chưa đến mức làm hại đến sức khỏe của người dân", TS Luyến khẳng định.

Chưa có cơ sở để đánh giá

Giám đốc Trung tâm Hạt nhân TPHCM, TS Nguyễn Đức Thành cho biết: "Chúng tôi luôn khuyến khích cán bộ nghiên cứu sáng tạo nhưng kết quả phải được hội đồng khoa học thẩm định. Trong cuộc họp sáng 16/6, có nhiều vấn đề mà anh Luyến không trả lời được. Vì vậy chưa có cơ sở nào để đánh giá kết quả nghiên cứu có chính xác hay chưa".

Tiếp xúc với các phóng viên vào chiều cùng ngày, TS Luyến cho biết cuộc họp đã diễn ra như một buổi kiểm điểm, lý do vì ông đã công bố thông tin ra dư luận mà chưa qua sự thẩm định của hội đồng khoa học.

TS Nguyễn Đức Thành cho biết Trung tâm Hạt nhân TPHCM sẽ tiến hành một chương trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng thời điểm tiến hành thì chưa có cụ thể.

Theo Tr.B
Báo Thanh niên