TPHCM đối mặt thách thức mất kiểm soát dân số
(Dân trí) - "TPHCM đang đối mặt với những thách thức như mất kiểm soát dân số cơ học, phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún nền đất gây hiệu ứng ngập úng, xâm nhập mặn...".
Đó là những cảnh báo của ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại hội thảo chuyên đề "Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TPHCM" diễn ra sáng nay (7/10) tại TPHCM.
Có mầm mống đầu cơ đất đai
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục lớn nhất, đi đầu trong tiến trình đô thị hoá đất nước. Công tác đô thị hoá đóng vai trò then chốt. Nhiều công trình giao thông kiến trúc đã được xây dựng, hiện đại hoá từng bước. Tốc độ đô thị hoá của TPHCM cao nhất cả nước, nhiều con kênh hồi sinh như Nhiêu Lộc, Thị Nghè, Tàu Hủ, Bến Nghé... Những con đường ven kênh, tuyến đường chính nội đô làm cho TPHCM ngày càng thay đổi. Hơn 1,2 triệu người sống lưu vực kênh rạch hầu hết là người nghèo đã có những cải thiện đáng kể về cuộc sống...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong những năm qua, TPHCM đã chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tập trung nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang đô thị, tổ chức lại cuộc sống của khu dân cư tốt hơn, phát triển các dự án nhà ở xã hội, kí túc xá sinh viên...
Năm 2016, thực hiện chương trình đột phá, chỉnh trang đô thị, TPHCM sẽ phấn đấu đến năm 2020 di dời và đảm bảo cuộc sống mới cho 20.000 dân cư, 50% chung cư cũ được xây dựng lại. Đồng thời, TPHCM sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tăng cường kiểm soát để phát triển một cách công khai minh bạch, tạo khả năng thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư cho phát triển.
"Chúng tôi kiến nghị Trung ương cho phép TPHCM được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là cơ chế tài chính, có cơ chế phân quyền... để thực hiện chỉnh trang đô thị", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, từ sau chiến tranh, TPHCM đã chú trọng tới công tác quy hoạch để cải tạo và phát triển đô thị. Nhờ đó, chỉ trong 40 năm qua, TPHCM đã trở thành khu đô thị, kinh tế năng động hàng đầu của đất nước.
Tuy nhiên, theo ông Hoà, trong công tác quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị của TPHCM đang đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước như ách tắc giao thông, ngập nước, dân khiếu kiện về đất đai kéo dài, xây dựng không phép ở vùng ven...
Ông Nguyễn Trọng Hoà cho rằng, thời gian dài vừa qua chúng ta đã sử dụng đất hiệu quả nhưng càng ngày trở lại đây thì không hiệu quả chút nào. Năm 1993, thời kỳ đó, TPHCM kêu gọi nhiều vốn đầu tư nước ngoài và đã có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp hình thành. TPHCM đã tiếp tục tiến hành 2 lần điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố vào năm 1998 và 2010. Thế nhưng, cũng thời gian này, chúng ta gần như sử dụng hết quỹ đất.
"Hầu như nguồn lực đất đai TPHCM hiện nay đang rất hạn chế và có mầm mống đầu cơ đất đai. Mua đất, xí chỗ rồi để đó chứ không làm gì. Do đó, trong công tác quy hoạch xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị thì đây là vấn đề cần quan tâm", ông Hoà cảnh báo.
"Cần nhìn nhận với tư duy mới"
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ Xây dựng đồng tình, hoan nghênh với chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị của TPHCM và sẽ phối hợp đồng hành cùng TPHCM.
Bộ trưởng cũng chỉ ra những khó khăn mà TPHCM đang đối mặt như mất kiểm soát dân số cơ học, phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ tăng dân số, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún nền đất gây hiệu ứng ngập úng, xâm nhập mặn...
Do đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu TPHCM cần phải có tư duy mới trong vấn đề chỉnh trang, phát triển đô thị. "Chỉnh trang, phát triển đô thị TPHCM tuy không phải là vấn đề mới nhưng cần được nhìn nhận với tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân, cộng đồng xã hội. Cần có lộ trình thực hiện rõ ràng với sự phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo sự thống nhất giữa các Bộ ngành trung ương, TPHCM và các địa phương", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho rằng, chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn, được thực hiện nhất quán. Đó là sự tiếp nối không mệt mỏi của Đảng bộ, Chính quyền thành phố về chăm lo đời sống của người dân. Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận rằng, đây là việc phức tạp, khó khăn và cần có tầm nhìn đến năm 2030.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hoà, để phân vùng trong quản lý chỉnh trang phát triển đô thị, TPHCM cần phải giữ cho bằng được hệ thống các đồ án quy hoạch chung, chỉnh trang đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt như hiện nay.
"Không cần phải lập lại các đồ án quy hoạch đô thị, cái mà người dân đã sợ lắm rồi. Không nên gây ra những biến động lớn về đầu tư. Thậm chí, mạnh dạn giúp các nhà đầu tư tháo chạy khỏi những dự án không khả thi hoặc kém hiệu quả tại một số khu vực mà họ đã trót nhận. Cũng không tạo nên cơn sốt về đầu cơ đất đai vì về mặt nguyên tắc, hệ thống các đồ án quy hoạch đô thị không thay đổi", ông Hoà nói.
Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho rằng, phải gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị để phát triển đô thị dựa vào định hướng vận tải công cộng.
TS Du dẫn ra kinh nghiệm của Seoul mà TPHCM nên học hỏi. Việc thúc đẩy vận tải công cộng và không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân ở Seoul dưới thời thị trưởng Lee Myung-bak (2002-2007) là rất đáng tham khảo.
"Phải lấy phát triển vận tải công cộng làm xương sống cho hệ thống giao thông TPHCM và tạo cấu trúc không gian đô thị thông minh, hiệu quả. Có như thế thì TPHCM mới có sức cạnh tranh cao và đáng sống", TS Huỳnh Thế Du nói.
Công Quang