TPHCM: Dịch Covid-19 chưa đạt đỉnh, cần biện pháp mạnh hơn Chỉ thị 16
(Dân trí) - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, dịch Covid-19 tại thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, toàn địa bàn có thể tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 sau 15 ngày, thậm chí tăng cường một số biện pháp.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19 của TPHCM chiều 21/7, ông Phan Văn Mãi - Phó Bí thư Thành ủy thành phố nhận định, số ca mắc Covid-19 được công bố mỗi ngày trên địa bàn vẫn tăng cao, diễn biến dịch bệnh còn nhiều phức tạp.
"Trong 3 tình huống được đề ra trước đây, tình hình dịch bệnh tại thành phố phù hợp với tình huống thứ 2, tức là cần tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí cần tăng cường, siết chặt một số biện pháp", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định.
Dịch chưa đạt đỉnh
Với số liệu về dịch bệnh những ngày qua, ông Phan Văn Mãi đưa ra đánh giá, dịch Covid-19 trên địa bàn chưa đạt đỉnh và sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp những ngày tới.
Về việc tăng cường một số biện pháp của Chỉ thị 16, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, vận động, giám sát cá nhân, tổ chức trên địa bàn thực hiện các biện pháp giãn cách quyết liệt hơn.
"Theo tôi đánh giá, mầm bệnh còn rất nhiều trong cộng đồng. Đối với những khu vực nguy cơ lây nhiễm rất cao, tập trung đông dân cư, thành phố sẽ thực hiện phương án giãn dân, giảm mật độ và tránh tiếp xúc", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy thành phố cũng thông tin thêm, thời gian tới, TPHCM sẽ chuyển trọng tâm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, thay vì tập trung ngăn chặn dịch tại các vùng nguy cơ cao, các lực lượng sẽ tăng cường ở vùng đệm phía ngoài để bảo vệ, củng cố và mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19.
"Chúng ta chưa đạt được tình huống mong đợi nhất. Việc tiếp tục Chỉ thị 16 và siết chặt, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch với một số địa bàn là thực tiễn phải làm", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Không đứt gãy sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn
Phó Bí thư thành ủy Phan Văn Mãi nêu rõ thực trạng, thời gian qua, có những đơn vị áp dụng phương châm "3 tại chỗ", "2 địa điểm, một cung đường", nhưng chưa thật sự đảm bảo an toàn.
Ông Mãi nhấn mạnh, duy trì sản xuất là điều tối quan trọng với thành phố, song song công cuộc phòng, chống dịch bệnh vì đó không chỉ là việc làm của hàng triệu công nhân mà khi sản xuất bị đình trệ, thị trường bên trong và bên ngoài TPHCM cũng sẽ bị ảnh hướng, khó chiếm lĩnh trở lại.
"Chúng tôi đã nhận thấy những tồn tại trên và làm việc với các đơn vị. Nếu đứt gãy sản xuất, thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để duy trì sản xuất thì các doanh nghiệp bắt buộc phải đảm bảo an toàn", ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục điều chỉnh các phương án an toàn phòng, chống Covid-19 trong hoạt động sản xuất. Theo đó, những nguy cơ tiềm ẩn lây nhiễm dịch Covid-19 sẽ được từng bước loại bỏ, quy mô sản xuất cần giảm tới mức tối thiểu để đảm bảo giãn cách.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần xem xét đảm bảo chỗ ở, nơi lưu trú cho người lao động trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý.
Đối với việc cung ứng hàng hóa cho người dân, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố luôn đặt vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh lên hàng đầu khi mở cửa lại các chợ. Đối với việc vận chuyển hàng hóa từ bên ngoài vào TPHCM, lực lượng chở hàng sẽ có khu ở riêng biệt, tránh tiếp xúc với người khác.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cũng nhận, định thời gian qua, vẫn còn tình trạng chậm chuyển các F0 từ cơ sở theo dõi, bệnh viện dã chiến lên tuyến trên. Thực trạng này có nguyên nhân là sự phối hợp giữa các khâu chưa thật sự đồng bộ, hiệu quả.
Thời gian tới, với mô hình phân tầng điều trị và hệ thống phân phối F0, TPHCM sẽ cố gắng khắc phục triệt để tồn tại này.
"Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, có những vấn đề chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên quá trình xử lý còn điểm chưa như mong muốn. Đây là việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM đã nhìn thấy rõ và yêu cầu các ban, ngành, cơ quan chức năng nghiên cứu để vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm", Phó Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ.