TPHCM cần làm gì để vượt qua ảm đạm của "mùa đông kinh tế"?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, 2 từ khóa quan trọng đối với tình hình kinh tế TPHCM là chu kỳ kinh tế và độ trễ của chính sách. Sau chu kỳ kinh tế giảm, TPHCM cần đón đầu xu thế để bứt phá từ quý II/2024.
Sau 9 tháng đầu năm, nền kinh tế TPHCM vẫn duy trì đà tăng trưởng theo từng quý. Với những điểm sáng bắt đầu quay lại ở một số lĩnh vực, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 4,57% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, những dấu hiệu khởi sắc vẫn chưa đủ sức vực dậy tăng trưởng kinh tế thành phố để đạt được mục tiêu đề ra của năm 2023. Dù một số ngành nghề, lĩnh vực mũi nhọn của thành phố đã đạt tăng trưởng cao so với cùng kỳ, nhưng vẫn chưa bằng khoảng thời gian trước dịch Covid-19.
Trong 3 tháng cuối năm, đô thị lớn nhất cả nước đối mặt với hàng loạt áp lực từ giải ngân đầu tư công, kiềm chế lạm phát, mở rộng thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Hai từ khóa quan trọng đối với TPHCM
TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, nhắc lại, các số liệu về tình hình kinh tế hiện tại của địa phương đã được dự báo, cảnh báo từ cuối năm trước. Từ quý IV/2022, tình hình kinh tế của TPHCM đã bắt đầu có các dấu hiệu.
"Thời điểm đó, 2 từ khóa quan trọng được đưa ra là chu kỳ kinh tế và độ trễ chính sách. Khi đi vào chu kỳ kinh tế giảm, dù quản lý, điều hành mạnh cỡ nào cũng rất khó để đạt tăng trưởng cao", TS Trương Minh Huy Vũ phân tích.
Năm 2022 và 2023, nền kinh tế của thế giới được dự báo đi vào "mùa đông kinh tế". Theo ông Trương Minh Huy Vũ, chu kỳ kinh tế giảm còn tiếp tục trong năm 2023, điều này tác động lớn đến các chính sách của TPHCM, đến thị trường xuất khẩu, chuỗi cung ứng và nhiều vấn đề khác.
Từ khóa thứ 2 được vị chuyên gia nhắc tới là độ trễ chính sách. Cụ thể, bất kỳ chính sách, hoạch định, nghiên cứu nào được đưa ra đều có độ trễ nhất định.
"Hôm nay can thiệp vào thị trường thì không phải tháng sau, quý sau có kết quả ngay mà cần thời gian dài. Ví dụ quý I, Trung ương nới lỏng, giảm lãi suất, ban hành các gói kích cầu thì cần 6 tháng, 9 tháng, 1 năm sau mới thấy kết quả, mới tác động đến thị trường và doanh nghiệp", TS Trương Minh Huy Vũ phân tích.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, 2 từ khóa này giải thích phần lớn tình hình của thành phố trong 9 tháng qua và có thể là hết năm nay. TPHCM có khả năng cao không đạt chỉ số tăng trưởng 7,5-8% đã đề ra từ đầu năm.
"Chu kỳ kinh tế tăng có thể quay lại vào quý II năm sau. Chúng ta tính gì thì tính, quý IV năm nay có thể sẽ phục hồi nhưng không thể mạnh mẽ, bứt phá. Xu hướng kinh tế tốt lên sẽ quay lại sau Tết", chuyên gia đưa ra dự báo.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, từ nay đến thời điểm chu kỳ kinh tế tăng quay lại, các con số thống kê chỉ mang tính tham khảo, phân tích, TPHCM không nên dồn lực để thúc đẩy tăng trưởng. Thay vào đó, địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng để bứt phá, đón xu thế khi chu kỳ kinh tế tăng quay lại.
Doanh nghiệp đang lo lắng điều gì?
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, chia sẻ, qua khảo sát nhanh cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị đã có dấu hiệu khởi sắc về xuất khẩu. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này nằm chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, mặt hàng thiết yếu và các đơn hàng chỉ mang tính ngắn hạn.
"Thời điểm này, mọi năm các doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 2 năm sau. Tuy nhiên năm nay, các đơn hàng chỉ mang tính ngắn hạn cho các dịp lễ, tết sắp tới và chỉ là các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên", ông Nguyễn Ngọc Hòa nêu thực trạng.
Bên cạnh những điểm sáng nhỏ về xuất khẩu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố cũng cho rằng, thị trường nội địa của TPHCM cũng có chuyển biến sau hàng loạt chính sách giảm thuế, kích cầu, khuyến mãi. Tuy nhiên, những chuyển biến này còn chưa căn cơ, dễ gặp cảnh khựng lại.
"Thu nhập, sức mua của TPHCM còn yếu. Các doanh nghiệp phân phối lớn báo lại, doanh số của họ đang giảm, chưa tăng", ông Hòa dẫn chứng.
Đại diện cho các doanh nghiệp tại TPHCM cũng nói về điều ông lo lắng nhất, hầu hết doanh nghiệp tại địa bàn cho rằng môi trường kinh doanh còn chưa được cải thiện rõ nét. Những khó khăn, tồn đọng trong hoàn thuế xuất khẩu, thủ tục đất đai, giá đất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, trái ngược với động thái tích cực từ phía ngân hàng như giảm lãi suất, tăng dòng vốn, các doanh nghiệp lại không mấy mặn mà. Điều này chứng tỏ vốn không thể hấp thu được, doanh nghiệp không có nhu cầu, không mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất.
"Tâm trạng hồ hởi, phấn khởi, hăng hái bung ra để làm ăn là chưa có. Hầu hết doanh nghiệp phản ánh họ chưa biết vau để làm gì, mở rộng sản xuất thế nào, chưa thấy gì sáng sủa", ông Nguyễn Ngọc Hòa bày tỏ.
TPHCM cần làm gì?
Theo TS Trương Minh Huy Vũ, TPHCM vẫn phải duy trì các giải pháp đã thực hiện từ đầu năm đến nay. Những giải pháp mang tính xoay sở, đối phó, ứng biến với thực trạng và các giải pháp mang tính lâu dài cần được làm song song.
Trong nhóm giải pháp xoay xở, đối phó, ứng biến, ông Huy Vũ nhắc lại, trong quý I, TPHCM giải ngân đầu tư công rất chậm. Trong quý II, thành phố đã chuyển động nhanh bằng nhiều giải pháp nhưng quý III lại khựng lại.
Do đó, thành phố cần tập trung triển khai, "tiêu hóa" hết khối lượng vốn đầu tư công này. Đây là một trong các động lực phát triển của thành phố từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Ngoài ra, sau 2 năm dịch Covid-19, sức mua, sức tiêu dùng của người dân thành phố vẫn còn hạn chế. Địa phương cần có các gói vay tín dụng mới, lãi suất thấp.
"Ngoài khuyến mại tập trung, thành phố cần kích thích tiêu dùng trên cả thị trường thương mại điện tử", vị chuyên gia góp ý.
Ngoài các giải pháp đối phó, ứng biến, thành phố cần dựa vào các xu thế phát triển đã được quy định trong Nghị quyết 98. Thành phố cần kiến tạo để đón chu kỳ kinh tế tăng từ quý II/2024.
Cụ thể, trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch kinh tế - xã hội, TPHCM cần lồng ghép các nội dung để tái định hướng lại kinh tế, xã hội, dân số, tổ chức không gian, hình thành các ngành kinh tế. Bản quy hoạch này cần chú trọng để hoàn thành trong quý IV năm nay với chất lượng cao nhất.
Đồng thời, Nghị quyết 98 cũng nêu rõ, khoa học công nghệ là động lực mới để TPHCM phát triển. Động lực này cần được thể hiện bằng dự án cụ thể và kết quả cụ thể.
"Tháng 9 vừa qua, TPHCM đã tổ chức diễn đàn kinh tế với chủ đề kinh tế xanh. Thành phố cần lồng ghép chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào các quy hoạch, biến các ý tưởng thành chính sách, dự án cụ thể", Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ.
Về phía các doanh nghiệp, Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, mong muốn thành phố sẽ sớm khơi thông nguồn lực đất đai. Bởi, ngay cả khi mua máy móc, thiết bị, doanh nghiệp sẽ khó triển khai đồng bộ nếu không có đất để làm.
Ông Hòa cho rằng, để gỡ khó cho thị trường bất động sản, thành phố cần những chính sách kích cầu. Tuy nhiên, việc kích cầu bất động sản trước đây có vẻ chệch hướng khi chỉ dồn cho phân khúc cao cấp.
"Chúng ta cần nắn dòng vốn để đi vào đúng phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở phổ thông. Đại bộ phận người dân có tiền và có nhu cầu mua nhà ở. Chúng tôi cho rằng phân khúc cao cấp chỉ dành cho các nhà đầu cơ, không phải nhà đầu tư", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM nêu giải pháp.