1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng:

TPHCM cần giải pháp quyết liệt hơn, không để dịch dây dưa kéo dài

Quang Huy

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM cần có những giải pháp mạnh mẽ, triệt để hơn để chấm dứt dịch Covid-19, quyết tâm không để dịch kéo dài.

Tại buổi họp với TPHCM về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều 6/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong hơn một tháng qua, thành phố rất nỗ lực, quyết tâm cao nhưng tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Hiện tại, dịch Covid-19 tại TPHCM có dấu hiệu lây lan sang các tỉnh, thành lân cận.

"Chúng ta cần thống nhất cần có những giải pháp dứt khoát hơn, mạnh mẽ hơn, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch bệnh, quyết không để dây dưa kéo dài. Thời điểm này, chúng ta cần chấp nhận thiệt thòi hơn, vất vả hơn trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường", Phó Thủ tướng nói.

TPHCM cần giải pháp quyết liệt hơn, không để dịch dây dưa kéo dài - 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thành phố cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt dịch Covid-19 (Ảnh: VGP).

Trong thời gian tới, ông Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp đã đề ra, thực hiện ở mức cao hơn hiện tại. Những giải pháp này sẽ góp phần cắt đứt chuỗi lây nhiễm, khống chế ổ dịch, tránh kéo dài thời gian giãn cách xã hội. 

"Cần chuẩn bị khẩn trương, chu đáo các quy định nhằm hạn chế người đi lại, tụ tập trong thành phố. Người dân thành phố thực hiện nghiêm việc không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết", Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 yêu cầu.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng lưu ý thành phố không được để tái diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách như một số nơi vừa qua. 

Đối với các địa phương lân cận, TPHCM cần thống nhất để có cơ chế phối hợp quản lý người lao động trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt với người làm việc và sinh sống ở 2 địa phương khác nhau.

TPHCM cần giải pháp quyết liệt hơn, không để dịch dây dưa kéo dài - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TPHCM không để tái diễn cảnh tập trung đông, không đảm bảo giãn cách (Ảnh: Hải Long).

Thành phố cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát người điều khiển phương tiện vận tải ra vào địa bàn. Ông Vũ Đức Đam lưu ý TPHCM kiểm soát nguồn lây nhưng không gây ách tắc cho lưu thông hàng hóa; duy trì sản xuất, kinh doanh ở mức độ cao nhất có thể.

"Hôm nay, chúng tôi sẽ gửi công điện tới tất cả tỉnh, thành trên tinh thần người ra vào vùng dịch, người từ TPHCM đi các tỉnh phải khai báo y tế và tự cách ly ở nhà tối thiểu 7 ngày. Cán bộ y tế cơ sở sẽ điều tra dịch tễ để đưa ra phương án cách ly, xét nghiệm tùy theo lịch sử tiếp xúc, di chuyển" - Phó Thủ tướng cho biết.

Báo cáo tại buổi họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đặc điểm của đợt dịch lần này là có nguy cơ lây lan cao tại các khu chợ, nhà trọ, khu công nghiệp tập trung đông lao động. Xu hướng của dịch bệnh hiện nay là số ca mắc phát hiện qua khám sàng lọc trong cộng đồng ngày càng tăng. 

Trong suốt thời gian qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đặc biệt là Chỉ thị 10. Các chợ đầu mối không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 như chợ Bình Điền, Hóc Môn đã được tạm ngừng hoạt động.

Để loại bỏ nguồn lây từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 sẽ tiếp tục đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch và yêu cầu các khu chợ không đảm bảo an toàn ngừng mua bán trực tiếp.

Tại buổi họp một ngày trước đó với TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu địa phương kiểm soát chặt người ra vào và hàng hóa phải đảm bảo lưu thông, tránh ách tắc. 

Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 khuyến nghị người dân các địa bàn khác chỉ đến TPHCM khi thực sự cần thiết, phải thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 theo công điện của Bộ Y tế.

TPHCM cần triển khai nhanh hệ thống kiểm soát người ra vào để giám sát được kết quả xét nghiệm của người đến hoặc đi khỏi thành phố, thông qua quét mã QR.

TPHCM cần giải pháp quyết liệt hơn, không để dịch dây dưa kéo dài - 3