1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Cấm biển, khẩn trương di dời hàng nghìn hộ dân trước bão

(Dân trí) - UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành và địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão số 9 sắp đổ bộ vào đất liền. “Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 9. Công tác di dời dân hoàn thành trước 12 giờ ngày 24/11”, công điện của UBND TP nêu rõ.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - ông Lê Minh Dũng, hiện địa phương đã triển khai các công việc ứng phó với bão số 9 theo công điện của UBND TPHCM.

Trong đó, huyện Cần Giờ cấm biển từ 13h ngày hôm nay (23/11). Đồng thời, huyện Cần Giờ đang rà soát toàn bộ người dân ở các vùng trũng thấp, nhà tạm, khu vực có nguy cơ sạt lở để di dời khoảng hơn 2.000 hộ vào sáng mai.

TPHCM: Cấm biển, khẩn trương di dời hàng nghìn hộ dân trước bão - Ảnh 1.

Người dân huyện Cần Giờ được di dời đến nơi an toàn để tránh cơn bão số 16 vào năm ngoái (ảnh: Phạm Nguyễn)

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP cho biết, trung tâm đã đề nghị Công ty thoát nước đô thị TP kiểm tra tất cả các điểm có nguy cơ ngập, túc trực ở hơn 40 trạm bơm để kịp thời xử lý. Cùng với đó, hơn 500 nhân viên của các đơn vị thoát nước cũng rải đều ở các quận, huyện. Hàng chục phương tiện như xe cẩu, xe tải, xe hút, máy bơm được huy động thường xuyên tham gia chống ngập.

Trước đó, UBND TPHCM có công điện hỏa tốc về tập trung ứng phó bão số 9 (tên quốc tế là bão Usagi).

Theo đó, chính quyền thành phố yêu cầu các sở, ngành, đơn vị thành phố và UBND quận, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bến cảng, hệ thống lưới điện, cơ sở dịch vụ du lịch và các công trình công cộng, công trình dân sinh để đảm bảo an toàn.

“Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia công tác ứng phó bão và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó bão số 9”, công điện nêu rõ.

Ngoài ra, UBND các quận, huyện, đặc biệt là huyện Cần Giờ và huyện Nhà Bè tổ chức di dời các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển, tại khu vực xung yếu đến các địa điểm an toàn, đặc biệt là người già yếu, phụ nữ mang thai, trẻ em. Tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự, chăm lo tốt cuộc sống của các hộ dân tại nơi tạm cư tránh bão số 9. Công tác di dời dân hoàn thành trước 12 giờ ngày 24/11.

UBND TP chỉ đạo các địa phương kiên quyết không để người ở lại trên thuyền, lồng bè, chòi canh, khu vực nuôi trồng thủy sản, hải sản khi bão đổ bộ.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM, các trường đại học, cao đẳng… theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 9, kiểm tra rà soát các trường học, cơ sở dạy nghề để có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường.

Yêu cầu các trường không tổ chức cho học sinh tham quan, du lịch, sinh hoạt ngoại khóa trước và trong khi bão số 9 di chuyển đổ bộ vào thành phố để đảm bảo an toàn.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 360km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 70km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km tính từ tâm bão.

Do ảnh hưởng của bão nên ở khu vực phía Tây vùng biển giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 25/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 106,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm