Tour xuyên Việt đầu tiên kêu gọi chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo
(Dân trí) - Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) vừa khởi động tour xuyên Việt "Hành trình yêu thương" để truyền tải thông điệp mong muốn sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam.
Chương trình đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của đông đảo cộng đồng.
Đến nay, Four Paws đã nhận được sự ủng hộ của 2 triệu người trên khắp thế giới, trong đó có hơn 250.000 người Việt Nam, kêu gọi chấm dứt buôn bán thịt chó, mèo.
Hành trình xuyên Việt lần này là một trong nhiều hoạt động của Four Paws để truyền tải thông điệp về sự ủng hộ việc chấm dứt vĩnh viễn buôn bán thịt chó, mèo ở Việt Nam. Hành trình xuyên Việt của Four Paws sử dụng xe tải có gắn màn hình Led, di chuyển và đỗ tại 3 thành phố chính.
Tại TPHCM ngày 31/5 và 1/6, tại Đà Nẵng ngày 2/6 và kết thúc tại Hà Nội ngày 7-8/6.
Tại các điểm dừng, bằng những thông điệp, hình ảnh trình chiếu, Four Paws mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về những vấn nạn do việc buôn bán thịt chó, mèo gây ra; kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để sớm chấm dứt việc buôn bán này tại Việt Nam.
Từ năm 2019, Four Paws bắt đầu hoạt động tại Việt Nam và đã phối hợp cùng chính quyền để giải quyết các rủi ro từ việc buôn bán thịt chó, mèo.
Một khảo sát của Four Paws được thực hiện vào đầu năm 2021 cho thấy, 91% người dân Việt Nam phản đối việc buôn bán thịt chó, mèo. Ngoài ra, 95% cho rằng việc tiêu thụ thịt chó, mèo không phải là một phần văn hóa của Việt Nam.
Ở các điểm dừng, Four Paws đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của người dân địa phương.
Chị Nguyễn Thị Bích Phụng (30 tuổi, trú TPHCM) cho biết, các nước tiên tiến đã có những chính sách, biện pháp để bảo vệ thú cưng như chó, mèo.
Tuy nhiên, Việt Nam còn tình trạng bắt và giết thịt chó, mèo bằng nhiều hình thức, trong đó có đánh bả mang theo rủi ro của những căn bệnh không lường trước được. Ăn thịt chó, mèo vì thế không tốt cho sức khỏe con người.
Anh Lê Tiến Thái (29 tuổi, người dân Đà Nẵng), cho biết: "Ở chỗ tôi nạn trộm chó còn rất nhiều vì còn nhiều người sử dụng thịt chó, mèo. Bản thân tôi nuôi 2 con chó, tôi rất ức chế khi có người tiêu thụ thịt chó".
Anh Thái cũng mong muốn chính quyền có cách can thiệp để không còn nạn trộm chó.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Ninh Thị Phương Thảo - điều phối viên Chương trình phúc lợi cho chó và mèo Tổ chức Four Paws International Việt Nam - cho biết, chuyến xe "Hành trình yêu thương" mang đến thông điệp về sự đồng thuận mong muốn chấm dứt hoàn toàn hoạt động buôn bán thịt chó, mèo của hơn 2 triệu người trên thế giới, trong đó có 250.000 người Việt Nam theo khảo sát của Four Paws.
Qua đây, người dân sẽ thấy rõ được hệ lụy của hoạt động này không chỉ là vấn đề phúc lợi động vật, bao gồm trộm cắp chó mèo, mà còn là nguy cơ gia tăng bệnh dịch, đặc biệt là bệnh dại.
"Four Paws hy vọng rằng việc giải quyết hoạt động buôn bán thịt chó mèo sẽ được chính quyền và người dân xem xét như một trong những vấn đề ưu tiên. Four Paws luôn sẵn sàng hợp tác với các bộ, ban, ngành liên quan xây dựng lộ trình tiến tới chấm dứt hoạt động gây rủi ro lớn về sức khỏe cộng đồng, cũng như hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế; bởi sau cùng, hoạt động buôn bán này không phải là điều mà phần lớn người Việt Nam mong muốn", bà Thảo nói.
Cũng theo đại diện Four Paws, việc Hàn Quốc đã thông qua luật cấm buôn bán, tiêu thụ thịt chó đầu năm nay, cùng với việc Hội An đã đóng cửa một trong ba nhà hàng thịt chó lâu đời nhất trên địa bàn thành phố, cũng là những động lực để mong muốn chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo sớm thành hiện thực tại Việt Nam".
Như Dân trí đưa tin, cuối năm 2023, chính quyền thành phố Hội An và tổ chức Four Paws đã vận động thành công một trong những quán thịt chó, mèo lâu năm nhất tại địa phương đóng cửa.
Chủ quán là ông Phạm Văn Quyết ở phường Cẩm Phô, thành phố Hội An, Quảng Nam. Trước đây, quán của ông Quyết tiêu thụ hơn 350 con chó mỗi năm và quán đã hoạt động trong gần 15 năm.
Sau khi đóng quán của mình, ông Quyết mong muốn những người buôn bán thịt chó, mèo khác trong khu vực cũng sẽ sớm hành động như ông.