Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam
(Dân trí) - Chiều 10/9, chuyên cơ Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày.
Đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Joe Biden có Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, Đặc phái viên về Khí hậu của Tổng thống John Kerry; cùng các trợ lý, phó trợ lý và cố vấn đặc biệt của Tổng thống.
Về phía đoàn Việt Nam, đón Tổng thống Mỹ tại sân bay có: Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Cục trưởng Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Việt Dũng...
Theo lịch trình, Tổng thống Joe Biden và đoàn tháp tùng sẽ di chuyển từ sân bay Nội Bài về thẳng Phủ Chủ tịch để dự lễ đón chính thức. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc hội đàm tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng.
Dự kiến, hai bên sẽ phát biểu với báo chí ngay sau hội đàm.
Ngày 11/9, Tổng thống Biden sẽ hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính và cùng dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ gặp Tổng thống Mỹ và chủ trì chiêu đãi cấp Nhà nước. Ông Biden cũng dự kiến có lịch tham gia một số hoạt động cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Ngay trước khi đến Việt Nam, Tổng thống Biden đã đến New Delhi (Ấn Độ) trong các ngày 8-10/9 để tham dự chương trình nghị sự tại Hội nghị G20.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đánh giá chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden "rất đặc biệt". Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ thăm cấp Nhà nước theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm hai nước xác lập Quan hệ Đối tác toàn diện (2013-2023).
Nhận định về những lĩnh vực được ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới, ông Ngọc cho rằng đó là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Đây sẽ là trọng tâm, nền tảng, đồng thời là động lực cho hợp tác chung trong quan hệ hai nước.
Cùng với đó, hai bên tập trung vào hợp tác chuỗi cung ứng, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển công nghiệp chế tạo.
Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao khẳng định đây là lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá. Việt Nam và Mỹ tập trung tạo nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, các công nghệ phục vụ chuyển đổi năng lượng, công nghệ sinh học, nâng cao y tế, dược phẩm.
Ngoài ra, hai nước cũng ưu tiên hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh trong thời gian tới.
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013.
Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 123 tỷ USD, tăng gần 300 lần so với con số 450 triệu USD năm 1995. Việt Nam cũng nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.
Cũng từ năm 2002, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cán mốc 100 tỷ USD.
Về đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam, chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của công ty Mỹ từ các nước thứ ba.
Hợp tác y tế và giáo dục cũng được coi là điểm sáng trong 10 năm qua, hai nước đã chia sẻ giúp đỡ nhau trong đại dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch mới xảy ra, Việt Nam đã hỗ trợ Mỹ đồ bảo hộ y tế và khẩu trang; phía Mỹ đã trao tặng gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam.
Việt Nam đang có hơn 30.000 học sinh, sinh viên học tại Mỹ, đứng thứ 5 trong số những quốc gia có nhiều du học sinh nhất tại nước này. Mỹ cũng tổ chức nhiều dự án giáo dục tại Việt Nam, trong đó có Đại học Fulbright và cử tình nguyện viên đến dạy tiếng Anh trong Chương trình Hòa bình (Peace Corps).