Tổng Bí thư: "Sắp tới làm vụ nào đều đã kể tên rồi, khối anh sợ!"

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công cuộc phòng chống tham nhũng đã trở thành xu thế, phong trào và là niềm tin của dân, là đòi hỏi của cuộc sống; sắp tới làm vụ nào đều đã được "điểm tên"...

Sáng 19/11, tại hội trường UBND quận Đống Đa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng (Hà Nội) theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến 56 điểm cầu.

Tổng Bí thư: Sắp tới làm vụ nào đều đã kể tên rồi, khối anh sợ! - 1

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri sáng 19/11 (Ảnh: Nguyễn Trường).

Phải sáng suốt công tâm trong khâu sử dụng cán bộ

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước kết quả to lớn mà Đảng và Nhà nước đã đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2022 như trong báo cáo tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo cử tri Hoàng Thị Hằng (phường Ngọc Hà, Ba Đình), nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, tập trung của Đảng, Nhà nước hành động kiên quyết với quyết tâm chính trị cao của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục theo dõi, đôn đốc các vụ việc; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngừng nghỉ, đặc biệt rõ đến đâu xử lý đến đó đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đề cập về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua, cử tri Nguyễn Văn Chương (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) bày tỏ, công tác này được Đảng, Nhà nước thực hiện mạnh mẽ, với quyết tâm cao, không có vùng cấm và đạt đã thành quả rất đáng trân trọng; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước ngày càng tăng.

Tổng Bí thư: Sắp tới làm vụ nào đều đã kể tên rồi, khối anh sợ! - 2

Cử tri Nguyễn Văn Chương nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc (Ảnh: Nguyễn Trường).

Tuy nhiên, cử tri Chương cho biết, những hạn chế trong công tác này đang gây bức xúc dư luận.

Theo đó, tội phạm tham nhũng, lợi ích nhóm, tội phạm kinh tế không giảm, có chiều hướng tăng (theo báo cáo đoàn giám sát Quốc hội tăng 41%); phạm vi ngày càng mở rộng ra khắp lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương, các tỉnh, thành, huyện, xã bộ, ngành, với thủ đoạn hết sức tinh vi phức tạp.

Ngoài ra, hình phạt chưa đủ sức răn đe. Đồng thời, án phạt chưa tương xứng với tội phạm đã có sau kết luận của cơ quan điều tra, kiểm tra, thanh tra. "Ví dụ, kết luận kiểm tra gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ bị cảnh cáo hoặc phạt tù 5-7 năm. Có hiện tượng giơ cao đánh khẽ…" - cử tri Chương đề nghị.

Do đó, ông Nguyễn Văn Chương đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo hướng từ sớm từ xa; ngăn chặn từ trong trứng tránh để thành ung nhọt rồi mới phát hiện, xử lý. Phải sáng suốt công tâm trong khâu sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu.

"Tôi mạnh dạn đề nghị rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, không để biên độ khung hình phạt một tội danh quá rộng; đây là kẽ hở cho công tác xét xử, phải kiên quyết, quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác này…" - cử tri Chương nêu ý kiến.

Tổng Bí thư: Sắp tới làm vụ nào đều đã kể tên rồi, khối anh sợ! - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công cuộc PCTNTC đã trở thành xu thế, trở thành phong trào... (Ảnh: Nguyễn Trường).

"Ai đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay rồi thôi"

Chia sẻ với cử tri tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, công cuộc PCTNTC đã trở thành xu thế, trở thành phong trào và đây là niềm tin của dân, là đòi hỏi của cuộc sống. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cuộc đấu tranh này phải kiên quyết, kiên trì lâu dài, tiếp tục thực hiện không ngừng nghỉ nhưng cũng không được chủ quan.

Hiện, ngoài Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, tất cả các tỉnh thành đều đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Hà Nội là Thủ đô đã gương mẫu thành lập Ban Chỉ đạo trước.

"Tôi nói rằng, anh nào trong Ban Chỉ đạo mà tham nhũng thì tôi xử lý trước. Tham gia vào Ban Chỉ đạo mà còn tham nhũng là không được. Tại sao "chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người" thì ai người ta chịu? Do đó phải gương mẫu, phải giữ gìn và Thủ đô phải đi đầu. Và tôi biết, Hà Nội đang làm rất quyết liệt. Cái này nếu chúng ta không quyết tâm chống sẽ làm cán bộ hư hỏng, suy thoái" - Tổng Bí thư nói.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mới đây, các cơ quan đã tiến hành tố tụng một loạt vụ việc "tưởng như không làm được" và Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống kê số vụ việc. "Và sắp tới sẽ làm vụ nào đều đã được kể tên rồi, chẳng bí mật. Khối anh sợ và không thể không làm được vì nó đã rõ quá" - Tổng Bí thư cho biết thêm.

Đề cập đến chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì "miễn xử hoặc xử nhẹ"; không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt.

"Vừa rồi mấy đồng chí trung ương xin thôi, tức là phạm sai rồi thôi, tự giác xin thôi công tác. Đấy là cái mới, rất nhân văn. Còn nếu anh ngoan cố, anh không chịu thì sẽ bị xử…" - Tổng Bí thư nói và lưu ý, Hà Nội phải gương mẫu làm việc này, phòng tham nhũng, tiêu cực là tốt nhất đừng để xảy ra rồi chống.

Theo Tổng Bí thư, đây là cuộc đấu tranh nội bộ trong chính chúng ta, trong mỗi con người chúng ta cho nên phải làm kiên trì, làm bền bỉ, nhân văn, nhân đạo, nhân ái… chứ không phải cứ xử nặng. Do đó, Tổng Bí thư khuyến khích, "ai đã trót nhúng chàm rồi thì rửa tay rồi thôi, như thế sẽ nhẹ nhàng hơn".

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra ngày 18/11, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất bổ sung 3 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo:

1. Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án Tổ hợp công trình hỗn hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà ở, trường học ở 423 Minh Khai, (quận Hai Bà Trưng Hà Nội);

2. Vụ việc sai phạm trong cổ phần hóa tại Tổng Công ty Tín Nghĩa (tỉnh Đồng Nai);

3. Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Thịnh tại xã đồi 61, huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai).

Tập trung hoàn thành xét xử 6 vụ án trọng điểm trong năm 2022:

1. Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2, số 1 Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;

2. Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Dược Cửu Long và các đơn vị liên quan;

3. Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ;

4. Vụ án "Buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại An Giang;

5. Vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Long Biên, Hà Nội;

6. Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.