1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Tòa nhà trụ sở UBND TPHCM 111 tuổi được xếp hạng di tích Quốc gia

Quốc Anh

(Dân trí) - Trụ sở UBND TPHCM được xây từ năm 1898 đến 1909 mới hoàn thành, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, riêng phần trang trí ban đầu do họa sĩ - điêu khắc gia Ruffier đảm trách.

Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia: Di tích kiến trúc nghệ thuật Trụ sở UBND TPHCM (Quận 1, TPHCM).

UBND TPHCM được giao quản lý nhà nước đối với di tích này theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Tòa nhà trụ sở UBND TPHCM 111 tuổi được xếp hạng di tích Quốc gia - 1

Trụ sở UBND TPHCM được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia

Trụ sở UBND TPHCM được xây từ năm 1898 đến 1909 mới hoàn thành, do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, riêng phần trang trí ban đầu do họa sĩ - điêu khắc gia Ruffier đảm trách. Công trình nổi tiếng này đã hơn trăm tuổi, là điểm nhấn kiến trúc ở trung tâm TPHCM và thu hút sự quan tâm của du khách.

Sau khi chiếm được một số tỉnh của Nam Kỳ, đến năm 1870, chính quyền Pháp mới bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một nhà làm việc chính thức cho Hội đồng thị xã. 

Khu Kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ ngày nay) đã được lưu ý đầu tiên, nhưng vẫn còn e ngại về vấn đề đổ móng xây nền vì nơi đây là vùng đất bùn nên dự án kéo dài trong nhiều năm. 

Hội đồng thị xã do một xã trưởng Tây đứng đầu nên được gọi là Dinh xã Tây (còn có tên Dinh đốc Lý) chính là tòa nhà UBND TPHCM hiện nay, tên tiếng Pháp Hôtel de Ville. 

Thời kỳ thuộc chính quyền Sài Gòn, một chức Ðô trưởng được đặt ra để trông coi thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn mà trụ sở đặt tại đây, nên dinh này được đổi tên là tòa Ðô Chính, hay còn gọi là tòa Đô sảnh. 

Tổng chi phí khoảng một triệu rưỡi franc. Năm 1909, tòa nhà được khánh thành với sự tham dự của viên toàn quyền Ðông Dương nhân kỷ niệm 50 năm duy trì chính quyền thực dân Pháp tại Sài Gòn (1859-1909).

Tòa nhà trụ sở UBND TPHCM 111 tuổi được xếp hạng di tích Quốc gia - 2

Du khách quốc tế tham quan, chụp ảnh khu vực tòa nhà UBND TPHCM

Tòa nhà là một kiến trúc biểu tượng của thành phố, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ công dân. 30 mét mặt tiền là trích dẫn hầu hết các yếu tố tạo thành phong cách kiến trúc thời Đệ tam cộng hòa Pháp (1870-1940): tháp chuông, cột Hy Lạp, tràng hoa, huy hiệu. 

Các chi tiết trang trí được thực hiện với độ tinh xảo cao. Chính giữa mặt tiền là một kiểu trang trí đắp nổi có hình dáng một người phụ nữ mạnh khỏe và một đứa bé đang chế ngự thú dữ, hai bức đắp nổi người phụ nữ cầm gươm ở hai bên tượng trưng cho nước Pháp đi chinh phục thuộc địa. Màu sơn từng được sử dụng cho tòa nhà là trắng hoặc vàng. 

Về trang trí nội thất, ít có công trình nào sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa. 

Trụ sở UBND TPHCM cùng với một số công trình ở trung tâm thành phố như Dinh Thượng thư (trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông), Nhà hát TP, Tòa án, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP đều có mỹ thuật cao, có nhiều câu chuyện lịch sử gắn liền, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trung tâm TPHCM cũng có nhiều công trình mang dấu ấn từ thời Pháp như: Bảo tàng lịch sử TP, trường THPT Marie Curie, trường THCS Lê Quý Đôn, trường THPT Lê Hồng Phong, Bảo tàng TP, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Nhà Rồng), khách sạn Continental, Viện Pasteur...

Tòa nhà trụ sở UBND TPHCM 111 tuổi được xếp hạng di tích Quốc gia - 3

Khu chính điện đình thần Linh Đông vừa được tu sửa (ảnh: Trang điện tử quận Thủ Đức)

Dịp này, ngoài trụ sở UBND TPHCM, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng đình thần Linh Đông (quận Thủ Đức, TPHCM) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đình Linh Đông được xây dựng vào khoảng năm 1823, được vua Tự Đức sắc phong Thần Thành Hoàng năm 1852. 

Hằng năm, đình tổ chức cúng Kỳ Yên vào ngày 16/10 âm lịch, cúng Thượng Nguyên vào rằm tháng Giêng, cúng Trung Nguyên vào rằm tháng Bảy, cúng giỗ ông Tạ Dương Minh (tự Thủ Đức) vào ngày 19/6 âm lịch, cúng ông Táo 23 tháng Chạp và đón ông Táo ngày mùng 5 Tết Nguyên Đán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm