1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự

(Dân trí) - Kể từ ngày 1/1/2017, khi Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực, tòa án sẽ không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do “chưa có điều luật để áp dụng”.

Sáng nay 25/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Khoản 2 điều 4 của bộ luật quy định “tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Cụ thể, vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Điều 45 của bộ luật quy định về nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng. Theo đó, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tuy nhiên tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật Dân sự.

Khi yêu cầu tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền viện dẫn tập quán để yêu cầu tòa án xem xét áp dụng. Trường hợp các đương sự viện dẫn các tập quán khác nhau thì tập quán có giá trị áp dụng là tập quán được thừa nhận tại nơi phát sinh vụ việc dân sự.

Đáng chú ý, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật (nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn), bộ luật đã bổ sung quy định về người phiên dịch cho người khuyết tật, phù hợp với quy định của Luật người khuyết tật.

Cụ thể, người tham gia tố tụng dân sự là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật. Trong trường hợp này phải có người biết nói, nghe bằng ngôn ngữ, ký hiệu hoặc biết chữ của người khuyết tật để dịch lại.

Người phiên dịch, theo quy định tại điều 81, là người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch.

Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được tòa án chấp nhận làm phiên dịch cho người khuyết tật đó.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, pháp luật lao động hiện hành quy định, trong một số trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với phụ nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc người lao động ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị...

Chính vì thế tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, bộ luật đã quy định: “Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thuộc trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trường hợp không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động”.

Thế Kha