1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tố cáo sai phạm thi hành án dân sự sẽ được giải quyết như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền giải quyết có văn bản chuyển đơn và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến Cơ quan điều tra hoặc VKSND có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Bộ Tư pháp vừa công khai dự thảo Thông tư Quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân.

Một điểm mới trong dự thảo lần này liên quan đến việc xử lý đơn thư tố cáo. Theo đó, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự nào thì Thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết.

Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo nhưng không quá 90 ngày.

Tố cáo sai phạm thi hành án dân sự sẽ được giải quyết như thế nào? - 1

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội phối hợp với VKSND thành phố Hà Nội tổ chức cưỡng chế, xử lý tài sản tại một doanh nghiệp ở Hà Nội mới đây (Ảnh minh họa).

Có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra

Dự thảo nêu rõ, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh hoặc ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Trường hợp không đủ điều kiện thụ lý thì người có thẩm quyền không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do không thụ lý tố cáo.

Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ nội dung tố cáo và các vấn đề khác có liên quan trước khi thụ lý giải quyết tố cáo.

Nếu hành vi bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có văn bản chuyển đơn và hồ sơ, tài liệu kèm theo đến Cơ quan điều tra hoặc VKSND có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo; đơn qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo dùng tên người khác để tố cáo; nội dung tố cáo được phản ánh không thực hiện theo hình thức quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền kiểm tra phục vụ công tác quản lý.

Nếu vụ việc phức tạp hoặc xét thấy cần thiết, người giải quyết tố cáo có thể tổ chức họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp trên trực tiếp; trưng cầu giám định hoặc tiến hành các biện pháp cần thiết khác.

Tố cáo sai phạm thi hành án dân sự sẽ được giải quyết như thế nào? - 2

Trụ sở Cục Thi hành án dân sự Hà Nội.

Phối hợp giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài

Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp trong giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Đối với khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh để được chỉ đạo giải quyết theo khoản 1 Điều 173 Luật thi hành án dân sự.

Dự thảo nêu rõ: Cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp tổ chức rà soát đơn khiếu nại, tố cáo, phân loại vụ việc khiếu nại, tố cáo để giải quyết theo trình tự như sau:

-Đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo tổ chức họp liên ngành trung ương, địa phương để thống nhất phương án giải quyết; tổ chức đối thoại với người khiếu nại, tố cáo; thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. 

-Đối với việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng pháp luật, nếu qua đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục mà người khiếu nại, tố cáo đồng ý với phương án giải quyết thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ra thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp đương sự không đồng ý thì ra thông báo không thụ lý, xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đó, đồng thời, cơ quan ra thông báo sẽ lập hồ sơ trích ngang về nội dung vụ việc và quá trình giải quyết để công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan và thông báo cho các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương.