1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bến Tre:

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Hơn một tháng kể từ ngày người dân chặn xe vào bãi rác An Hiệp, việc khắc phục ô nhiễm cơ bản hoàn thành. Lãnh đạo Bến Tre cho biết tính phương án để người dân vào trực tiếp giám sát quá trình xử lý.

Ngày 17/8, tròn một tháng kể từ ngày lãnh đạo tỉnh Bế Tre hứa khắc phục sự cố môi trường ở bãi rác An Hiệp (huyện Ba Tri), công tác gia cố tường, phủ bạt ô chứa ở bãi rác này cơ bản hoàn thành.

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 1

Các diện tích chứa rác cần phủ bạt đều đã được phủ bạt (Ảnh: Nguyễn Cường).

Dù vậy, người dân vẫn tiếp tục tập trung chặn đường không cho xe chở rác vào bãi rác này. Nhiều người dân khẳng định vẫn còn mùi hôi, nước rỉ rác chảy ra ngoài, rác bay vào nhà. Họ bày tỏ không đồng thuận việc bãi rác An Hiệp tái hoạt động.

Tiếp xúc báo chí, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết, đến nay đã khắc phục hơn 95% tình trạng ô nhiễm ở bãi rác An Hiệp. Cụ thể, đơn vị chức năng đã hoàn thành phủ bạt 20.700m2 (100% diện tích rác cần phủ bạt), nâng cấp tường rào bằng lưới rào B40, đã giảm mùi hôi, nước rỉ rác không còn ngấm ra ngoài, khắc phục xong rác phát tán ra môi trường xung quanh.

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 2

Tường xung quanh bãi rác đã được dựng thêm rào lưới ngăn rác bay vào nhà dân (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cho biết, việc mở lại bãi rác An Hiệp để tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh vào ngày 19/8 là giải pháp duy nhất trong khi chờ nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tái đầu tư, dự kiến hoạt động trở lại năm 2026.

"Hiện khu vực chứa rác ở nhà máy xử lý rác thải Bến Tre chỉ còn khả năng nhận thêm rác trong vài ngày tới, các bãi rác khác trong tỉnh cũng đã quá tải và gây ô nhiễm ở mức độ nhiều ít tùy nơi. Chỉ còn cách vận động người dân để tiếp tục đưa rác vào bãi rác An Hiệp", ông Tuấn nói.

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 3

Một ao chứa rác mới đang được xây dựng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Trả lời báo chí việc tỉnh có tính đến giải pháp cưỡng chế người dân quanh bãi rác An Hiệp, ông Tuấn cho biết, giải pháp ưu tiên là vận động người dân đồng thuận.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre cũng cho rằng: "Nếu không vận động được, tỉnh Bến Tre sẽ sử dụng đến biện pháp cuối cùng". Tuy nhiên ông Tuấn không nói rõ đó là biện pháp gì.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc triển khai các biện pháp dự phòng sự cố ở các bãi rác khác trong tỉnh, ông Tuấn cho biết: "Do công tác dự báo khối lượng rác phát sinh không đúng tình hình thực tế, hiện bãi rác nào trong tỉnh cũng đã quá tải, đều phát sinh ô nhiễm, chỉ là nhiều hay ít. Tỉnh Bến Tre đã chú trọng vấn đề này, có quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác".

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 4

Nhiều người dân vẫn chặn đường không cho xe chở rác vào bãi rác (Ảnh: Nguyễn Cường).

Về câu hỏi liệu Bến Tre có sẵn sàng để người dân vào bãi rác An Hiệp trực tiếp giám sát quá trình xử lý, ông Tuấn khẳng định: "Để tạo đồng thuận, tỉnh đã tính đến phương án này".

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện nước rỉ rác ở bãi rác An Hiệp vẫn chưa được xử lý mà chỉ đang lưu chứa trong các ao. Hướng tới ngành chức năng của tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác tại đây, công suất 30 m3/ngày đêm, kinh phí khoảng 4 tỷ đồng.

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 5

Khoảng 20 hộ dân khẳng định không đồng thuận để bãi rác tiếp tục hoạt động (Ảnh: Nguyễn Cường).

Đồng thời bãi rác này sẽ sớm mở rộng thêm 3ha để tăng khả năng tiếp nhận, xử lý rác thải. Tỉnh Bến Tre sẽ di dời một số hộ dân quanh bãi rác An Hiệp để tạo vùng đệm theo quy định.

Chính quyền cũng đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thải An Hiệp bằng công nghệ xử lý hiện đại, thân thiện môi trường, hạn chế tác động xấu đến môi trường và sức khỏe người dân.

Trước đó, suốt hơn một tháng qua (kể từ ngày 15/7) hàng chục hộ dân ở xã An Hiệp và An Đức, huyện Ba Tri ngày đêm túc trực chặn xe rác không cho đưa rác vào bãi rác An Hiệp vì ô nhiễm.

Ngày 17/7, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức đối thoại với hơn 80 người dân xã An Hiệp và An Đức và cam kết sẽ khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường trong thời gian 1 tháng.

Tính phương án để dân trực tiếp vào bãi rác giám sát sau sự cố môi trường - 6

Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre khẳng định việc mở lại bãi rác An Hiệp là giải pháp duy nhất về môi trường trong tỉnh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ngày 23/7, UBND tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp.

Trong thời gian ngưng tiếp nhận rác, khắc phục ô nhiễm tại bãi rác An Hiệp, hơn 5.000 tấn thải của huyện Châu Thành và TP Bến Tre được vận chuyển và lưu chứa tạm thời tại nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Điều này đã bị người dân phản ứng.

Ở huyện Ba Tri, từ ngày 15/7 đến nay, khoảng 1.500 tấn rác được thu gom, lưu trữ tập trung tại sân vận động huyện và các điểm tập kết ở các xã. Dù vậy trên các con đường vẫn tồn đọng lượng lớn rác, gây ô nhiễm, ruồi, mùi hôi gây bức xúc người dân.

Ngày 23/7, UBND tỉnh Bến Tre đã công bố tình huống khẩn cấp tình hình sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm