Sau sự cố khẩn cấp về môi trường, Bến Tre đầu tư nhà máy đốt rác nghìn tỷ
(Dân trí) - Để giải quyết tình trạng xử lý rác thải không hiệu quả, khắc phục ô nhiễm môi trường, tỉnh Bến Tre đã kêu gọi đầu tư nhà máy đốt rác trị giá 1.500 tỷ đồng.
Ngày 3/8, thông tin từ UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này đã kêu gọi Công ty cổ phần Tập đoàn AMACCAO đầu tư xây dựng tại đây nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ đốt điện, trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026 với công suất 650tấn/ngày.
Tuy nhiên trước khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đi vào hoạt động, bãi rác An Hiệp sẽ tiếp tục nhận rác của tỉnh trong khoảng 3 năm tới. Sau đó việc đưa rác của huyện Ba Tri về đây vẫn sẽ được thực hiện theo quy hoạch.
UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tại bãi rác An Hiệp, các vị trí tường bị hỏng đã được trám xong, không còn tình trạng nước rỉ thoát ra ngoài. Lưới chắn rác bay cũng đã được lắp ở những đoạn tường cần thiết, đồng thời phủ bạt được 0,9/1,4ha diện tích ô chứa rác cần phủ bạt.
Công tác khắc phục sự cố dự toán tốn 1,6 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trước ngày 17/8. Cơ quan chức năng sẽ xem xét đầu tư hệ thống xử lý nước thải rỉ rác công suất 30m3/ngày đêm, kinh phí khoảng hơn 3,5 tỷ đồng; lò đốt rác thải công suất 48 tấn/ngày, kinh phí khoảng 9 tỷ đồng.
Trước đó, chiều 15/7, hàng chục người đã tập trung chặn đường, không cho xe chở rác vào bãi rác An Hiệp, yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Sau gần 20 ngày kể từ khi hàng chục người dân gần bãi rác An Hiệp (xã An Hiệp, Ba Tri) tập trung chặn xe chở rác vào bãi vì ô nhiễm, rác đã tràn ngập nhiều đoạn đường ở Bến Tre.
Để tạo điều kiện khắc phục tình hình, ngày 23/7, UBND tỉnh Bến Tre công bố tình huống khẩn cấp sự cố môi trường nghiêm trọng bãi rác An Hiệp. Với hành động này, chính quyền địa phương đủ căn cứ pháp lý để chỉ định thầu các hạng mục khắc phục sự cố.
Bãi rác An Hiệp đã hoạt động 13 năm, trước đây chỉ phục vụ chôn lấp rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Ba Tri. Tuy nhiên do Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định, Châu Thành) bị UBND tỉnh này buộc tạm đóng cửa vì gây ô nhiễm, kể từ tháng 10/2022, rác thải sinh hoạt ở huyện Châu Thành và TP Bến Tre đều dồn về bãi rác An Hiệp, khối lượng trên 200 tấn mỗi ngày.
Cùng lúc, các hạng mục xây tường rào, phủ bạt các ô đã chôn lấp, gia cố chống thấm, gom nước rỉ rác, ao chứa nước rỉ rác,... chậm thực hiện, từ đầu năm 2023 bãi rác An Hiệp bắt đầu xuất hiện tình trạng nước rỉ rác lẫn với nước mưa chảy tràn xung quanh, mùi hôi đã phát tán ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 132 hộ dân nằm trong phạm vi bán kính 1.000m. Việc chậm khắc phục ô nhiễm khiến nhiều người dân xúc.
Trước thực trạng Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre hoạt động không hiệu quả, góp phần gây nên sự cố môi trường, UBND tỉnh Bến Tre đã kêu gọi đầu tư để tái cơ cấu đơn vị này.
Theo số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, năm 2022, mỗi ngày trên địa bàn phát sinh hơn 1.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó gần 420 tấn được thu gom, xử lý.
Bến Tre đặt chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 95%, khu vực nông thôn đạt 80% và tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt 70%.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 3 khu xử lý rác thải tập trung. Trong đó khu 23ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành và khu 20ha tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam chịu trách nhiệm xử lý rác thải của các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre.
Bãi rác An Hiệp sẽ mở rộng ra quy mô 20ha, trở thành Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển.