Tinh giản biên chế để… giữ nguyên số biên chế hiện tại

(Dân trí) - Báo cáo gửi đến Quốc hội kỳ họp thứ 8, về các vấn đề liên quan đến đề án tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, sẽ thay thế 50% số biên chế được tinh giản bằng người giỏi hơn, 50% còn lại để giao việc mới.

Báo cáo về việc quản lý biên chế, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, từ nay đến năm 2016 sẽ cơ bản giữ nguyên, không tăng tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, theo báo cáo của các Bộ, ngành và các tỉnh, tính đến ngày 30/6/2014, có một số địa phương vẫn có tình trạng sử dụng vượt chỉ tiêu biên chế công chức được giao. Việc HĐND một số tỉnhphê duyệt cao hơn số biên chế được giao, ông Bình xác nhận là chưa đúng với quy định tại Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Nội vụ dự kiến sẽ rà soát, sắp xếp lại biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hiện có theo vị trí việc làm và có phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại theo quy định.

Ngày 10/10 vừa qua, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế công chức của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và biên chế công chức cấp xã) của năm 2015 là 281.714 biên chế.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, số biên chế này bằng đúng số biên chế công chức đã được Thủ tướng giao năm 2014.
 
Tinh giản biên chế để… giữ nguyên số biên chế hiện tại
50% số biên chế được tinh giản được bố trí công việc khác, 50% còn lại được bù lại bằng nhân sự tuyển mới.
 
Công tác quản lý biên chế đổi mới theo hướng quản lý theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, là tiền đề để triển khai thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trước mắt, Bộ Nội vụ chủ trương tiếp tục thực hiện khoán biên chế và chi phí hành chính trong các cơ quan, tổ chức hành chính và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập để tiết kiệm biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức.

Đề cập đến đề án “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức” mà Bộ đã tham mưu Chính phủ triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải thích cụ thể cách thức tiến hành tinh giản.

Nguyên tắc đặt ra là việc tuyển dụng mới vào công vụ sẽ giới hạn ở mức không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản. Theo đó, một nửa số biên chế thực hiện tinh giản sẽ được bổ sung bằng nhân sự mới để hướng tới lựa chọn chất lượng hơn.

Số 50% biên chế bị tinh giản còn lại thì dùng để bổ sung cho những cơ quan, tổ chức, đơn vị thànhlập mới hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ mới theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, việc thực hiện đề án tinh giản biên chế này hướng đến mục tiêu là “góp phần hạn chế việc tăng biên chế”. Cơ cấu biên chế theo đó cơ bản giữ nguyên, không tăng cũng… không giảm.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ quán triệt tinh thần, nếu Bộ, ngành và địa phương nào có số biên chế công chức tăng hơn so với chỉ tiêu biên chế công chức được giao hàng năm thì phải xây dựng phương án để giảm số biên chế tăng thêm đó.

Về việc nâng cao chất lượng thi tuyển công chức, Bộ trưởng Nội vụ trình bày Bộ đã nghiên cứu xây dựng phần mềm thi tuyển công chức trên máy vi tính và đã áp dụng lần đầu tiên đối với các kỳ thi tuyển công chức, viên chức tại Bộ Nội vụ. Đánh giá việc này là một thành công, ông Bình cho rằng, thi tuyển trực tuyến mở ra một hướng mới để nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, đảm bảo thực hiện tốt hơn, triệt để hơn nguyên tắc khách quan, công bằng trong tuyển dụng.

Về chính sách nhân tài, Bộ trưởng Nội vụ trình bày về quy định xét tuyển đặc cách đối với những người tốt nghiệp thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng

Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ từ tháng 1/2014. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định này hiện đang ở đâu, trong công đoạn nào thì Bộ trưởng Nội vụ không thông tin thêm.

Cũng trong tháng 1/2014, theo ông Bình, Bộ Nội vụ cũng xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ giai đoạn 2014 - 2020. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác.

P.Thảo