Tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tài

(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Yên Bái, Hưng Yên nhận định các văn kiện Đại hội được chuẩn bị chu đáo, công phu; công tác chuẩn bị nhân sự rất kỹ lưỡng, khoa học, dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, ông đánh giá rất cao Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhân sự kỳ này; đảm bảo công tác chuẩn bị khoa học, kỹ lưỡng, dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

"Ở đây chúng ta cần coi trọng cả hai yếu tố. Yếu tố đầu tiên là về đức, là những cán bộ có lập trường, tư tưởng vững vàng. Thứ hai là phải những cán bộ có kinh nghiệm trình độ, có tinh thần đổi mới sáng tạo để phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay"- ông nói.

Tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tài - 1
Ông Hoàng Duy Chinh - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XIII (Ảnh: Quốc Chính)

Theo ông Hoàng Duy Chinh, cơ cấu phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Kạn chủ yếu là nông - lâm nghiệp là chính. Lần này Nghị quyết Đại hội của Đảng, báo cáo văn kiện Đại hội cũng đề cập đến việc tập trung quan tâm hơn về công tác phát triển trồng rừng, phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường sinh thái và đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Trong 4 nhiệm vụ trọng tâm chúng tôi đã đặt vấn đề tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp là chính. Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII chúng tôi sẽ về bổ sung thêm chương trình hành động để phù hợp với tình hình thực tế"- ông nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, địa phương này có tỷ lệ phủ xanh cao nhất cả nước, hiện nay là gần 73% trên tổng diện tích. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng là một trong những địa phương nhiều tài nguyên khoáng sản nên luôn phải chỉ đạo phát triển hài hòa, vừa khai thác được tài nguyên nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm

Ông Đỗ Đức Duy - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái cho rằng, trong tiến trình đổi mới không thể tránh khỏi có những vấn đề bất cập của cơ chế, chính sách; những vấn đề xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật chưa điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Vì vậy, nhiệm kỳ Đại hội XII đã đặt vấn có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã đưa vào nội dung Đảng cần có cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

"Là những người lãnh đạo ở địa phương, chúng tôi rất tâm đắc với chủ trương này của Trung ương Đảng mà tới đây sẽ được quyết nghị trong Đại hội XIII. Như vậy, những người lãnh đạo các địa phương sẽ tự tin hơn, vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới, dám đương đầu với khó khó khăn, thách thức vì mục tiêu phát triển của địa phương cũng như của đất nước"- ông Đỗ Đức Duy bày tỏ.

Tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tài - 2
Ông Đỗ Đức Duy-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội XIII.

Trong Đại hội XIII, ông Đỗ Đức Duy cũng đã trình bày tham luận "Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số". Trong đó, ông Duy cho biết để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã nỗ lực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả.

Tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực nhiệm vụ chính trị của năm và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm  theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm".

Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đưa việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là ước nguyện của các tầng lớp Nhân dân. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh đã có 463 hộ nghèo có đơn tự nguyện xin thoát nghèo, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung quy hoạch, bố trí ổn định dân cư, gắn với ban hành và thực hiện bộ cơ chế, chính sách, đề án riêng của tỉnh theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…

Các văn kiện của Trung ương được chuẩn bị chu đáo, công phu

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Tiến Sỹ - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, hướng tới Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã nhận được 15 báo cáo với trên 5,3 vạn lượt ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội.

Tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ tâm, đủ tài - 3
Ông Đỗ Tiến Sỹ - Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.

Đa số các ý kiến đều nhất trí, tán thành với kết cấu, đề mục lớn và các nội dung trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Các ý kiến đều có chung nhận định: Dự thảo các văn kiện của Trung ương được chuẩn bị chu đáo, công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, mang tính khái quát và toàn diện cao; nội dung được trình bày rõ, thể hiện sự kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Đảng; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và có bước phát triển mới về lý luận, phản ánh khách quan thực tiễn, tình hình trong nước và thế giới, tính chất và xu thế thời đại.

Đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quan điểm, mục tiêu, biện pháp phát triển đất nước trong tương lai.

Hầu hết các ý kiến nhất trí với kết cấu, bố cục, phương pháp trình bày đảm bảo tính chặt chẽ, logic, khoa học, có sự đổi mới, phản ánh tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII có nhiều điểm mới và điểm nhấn nổi bật, khẳng định tư duy lý luận và tầm nhìn chiến lược của Đảng; ngay từ phương châm Đại hội: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, điểm mới là thành tố "sáng tạo - phát triển" bổ sung cho "đổi mới" trong phương châm Đại hội XII.

Về chủ đề Đại hội XIII có những điểm mới trong các thành tố, như: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nêu ý chí, khát vọng phát triển đất nước; Xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, dự thảo Báo cáo chính trị có những dự báo mới về tình hình thế giới, khu vực và trong nước; những điểm mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các đột phá chiến lược và các nhiệm vụ trọng tâm.

Song điểm mới nổi bật chính là 05 quan điểm chỉ đạo nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn tới, như tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn tới, tư tưởng chủ đạo về chiến lược tổng thể phát triển đất nước, định hướng tạo động lực phát triển, định hướng huy động và phát huy mọi nguồn lực, định hướng xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ.

"Liều thuốc" kịp thời...

Đại biểu Trần Trung Nhân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết: "Trước đây chúng ta thường nghe "3 dám". Đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì tại Báo cáo Chính trị lần này, Đảng khuyến khích và có giải pháp để bảo vệ những cán bộ dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với những khó khăn, thử thách", ông Nhân phân tích.

Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, "dám nói" ở đây là nói thẳng, nói thật, nói đúng, không cần nói nhiều, quan trọng nói là phải làm. Đặc biệt, là dám đương đầu, dám đột phá, đây là vấn đề mới, vấn đề khó, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa được hoàn thiện, còn nhiều khiếm khuyết, như trong dự thảo Báo cáo Chính trị đã nêu là chưa đồng bộ, thậm chí có chồng chéo, có những lĩnh vực, vấn đề mới phát sinh nhưng pháp luật chưa kịp điều chỉnh.

 Theo đại biểu Trần Trung Nhân, trong điều kiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta hiện nay rất quyết liệt, có một bộ phận nhỏ cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ của mình. Chính vì vậy, trong dự thảo Báo cáo Chính trị lần này đặt ra "6 dám" là "liều thuốc" rất kịp thời, giúp cán bộ cởi bỏ tâm lý sợ sai của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao.