1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo nhanh, bền vững

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy, một trong những thành tựu nổi bật nhiệm kỳ qua tỉnh này đạt được là kết quả giảm nghèo vượt 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy đã có tham luận "Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số" tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo nhanh, bền vững - 1

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy. 

Ông Đỗ Đức Duy cho biết, cũng như nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, Yên Bái bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 32,21%, cao thứ 6 toàn quốc; trong đó phần lớn tập trung tại các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, riêng tại 2 huyện 30a có tỷ lệ hộ nghèo trên 75%, thuộc nhóm các huyện nghèo nhất cả nước.

Theo ông Duy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là do: địa hình đồi núi chia cắt mạnh, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất; trình độ dân trí không đồng đều, chất lượng nhân lực thấp, ở một số nơi đồng bào dân tộc vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật; hệ thống thể chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu;...

"Bên cạnh đó, tư duy, nhận thức và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền trong công tác giảm nghèo còn hạn chế, bất cập; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không có ý chí vươn lên thoát nghèo", ông Duy cho biết.

Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm

Bí Thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã nỗ lực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, sáng tạo, hiệu quả, cụ thể: 

Một là, quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái đều ban hành Chương trình hành động lãnh đạo thực nhiệm vụ chính trị của năm và Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo trong năm  theo phương châm "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm".

Trong đó, giao chỉ tiêu giảm nghèo cho từng huyện, thị, thành phố; đồng thời, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp cấp tỉnh phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ từ 20-50 hộ nghèo/năm (có địa chỉ cụ thể) tại các xã đặc biệt khó khăn mà cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đó được phân công hỗ trợ, giúp đỡ thường xuyên. Đối với một số địa bàn đặc biệt khó khăn đã đưa cán bộ cơ sở xuống "ba cùng" với dân để giúp dân giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tích cực tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thay đổi căn bản về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội.

Đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc chủ động, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đưa việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trở thành nhu cầu, là ước nguyện của các tầng lớp Nhân dân. Riêng trong năm 2020, toàn tỉnh đã có 463 hộ nghèo có đơn tự nguyện xin thoát nghèo, được cấp ủy, chính quyền các cấp biểu dương, khen thưởng.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung quy hoạch, bố trí ổn định dân cư, gắn với ban hành và thực hiện bộ cơ chế, chính sách, đề án riêng của tỉnh theo hướng tích hợp, đồng bộ với các chính sách của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Hỗ trợ tư liệu sản xuất, kết hợp với vận động bà con nông dân vùng cao đổi mới phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao năng sất, chất lượng, giá trị của sản phẩm;...

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo nhanh, bền vững - 2

Mù Cang Chải của Yên Bái lọt tốp 50 địa điểm đẹp nhất thế giới. (Ảnh: Báo Yên Bái).

Kết quả giảm nghèo vượt 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ

Bốn là, quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, phát thanh, truyền hình, viễn thông, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, nhằm tạo thuận lợi cho việc mở rộng và phát triển sản xuất, kết nối giao thương, nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu của người dân nghèo.

Năm là, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nhất là giáo dục dân tộc, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn để mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; quan tâm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Sáu là, huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; trong đó, bên cạnh các nguồn lực nhà nước, tỉnh đã tích cực vận động, huy động đa dạng các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ cho công tác giảm nghèo.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ), bình quân giảm 5,03%/năm, riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước.