DNews

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi "ở ẩn" hơn một thập kỷ tại TPHCM

Q.Huy

(Dân trí) - Tượng vua Lê Lợi hiện diện ở TPHCM từ trước năm 1975, là dấu ấn ký ức của người dân thành phố. Năm 2013, tượng được di dời, bảo quản, chờ ngày an vị tại địa điểm mới.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi "ở ẩn" hơn một thập kỷ tại TPHCM

Năm 2013, vòng xoay Cây Gõ (quận 6) được quây tôn, rào chắn, để thực hiện dự án cầu vượt chữ Y bằng thép đầu tiên tại TPHCM. Tượng vua Lê Lợi tại vị trí vòng xoay được di dời tới địa điểm khác, nhường mặt bằng thi công dự án giao thông bức thiết ở khu vực cửa ngõ nội đô.

Kể từ thời điểm đó, tượng vị vua sáng lập nhà Hậu Lê chưa một lần xuất hiện lại trước công chúng. Người dân chỉ có thể chiêm ngưỡng bức tượng vua Lê Lợi qua hình ảnh tư liệu hiếm hoi.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 1

Cầu vượt tại vòng xoay Cây Gỗ, TPHCM, thời điểm thông xe năm 2013 (Ảnh: Q.L.).

Tượng vua Lê Lợi hiện diện ở TPHCM từ trước năm 1975, là sự thân thuộc, một dấu ấn ký ức của người dân thành phố. Trong bối cảnh việc đặt tượng ở vị trí trước đây không thể thực hiện, thành phố đang tìm kiếm phương án tương xứng, phù hợp về yếu tố lịch sử và chính trị.

Không thể trở về vị trí cũ

Việc đặt tượng vua Lê Lợi trở về vị trí cũ (vòng xoay Cây Gõ) đã được TPHCM cân nhắc và tính toán. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển hạ tầng đô thị, những dự án mới được hình thành và được định hình trong tương lai, phương án này không còn tính khả thi.

Theo UBND quận 6, phương án không thực hiện được do vướng quy hoạch giao thông, đô thị, tuyến đường sắt trên cao, trạm trung chuyển hành khách các tuyến metro và cây cầu vượt bằng thép. Ngoài ra, địa điểm này có đường dây điện cao thế đến trạm Phú Lâm, thuộc tuyến đường dây 500Kv Bắc - Nam.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 2

Một vị trí khác được tính đến là đặt tượng vua Lê Lợi tại Công viên Phú Lâm (quận 6). Tuy nhiên, phương án này cũng bộc lộ nhiều hạn chế về thời gian, kinh phí, và quản lý cây xanh.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 3

Tượng vua Lê Lợi tại TPHCM trước thời điểm được di dời (Ảnh tư liệu).

Cụ thể, để an vị tượng vua Lê Lợi tại Công viên Phú Lâm, chính quyền sở tại cần hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, tổ chức thi tuyển kiến trúc, cảnh quan, thiết kế, đấu thầu thi công bệ đặt tượng để đảm bảo phù hợp không gian. Thời gian dự kiến để hoàn thành các phần việc trên phải đến tháng 2/2027. Tổng kinh phí để thực hiện phương án cần khoảng 8 tỷ đồng.

Quận 6 phải đốn hạ nhiều cây xanh được trồng hơn 30 năm tại công viên, nên khó tạo đồng thuận trong nhân dân. Các lãnh đạo quận 6 qua nhiều thời kỳ, chuyên gia, nhà khoa học cũng không đồng thuận với phương án này. Vị trí đặt tượng bên trong công viên cũng không thật sự thuận tiện cho người dân tới thưởng lãm.

Trước thực tế trên, phương án khả thi nhất là đặt tượng vua Lê Lợi tại địa điểm phía trước trụ sở Quận ủy, UBND quận 6. Vị trí này đã được UBND TPHCM thống nhất, đề xuất Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chấp thuận.

Trung tâm hành chính của quận 6 có sự liên kết với các trục đường chính như đại lộ Võ Văn Kiệt, Hậu Giang, Phạm Văn Chí, cầu đường Bình Tiên, cùng các công trình khác đang được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Vị trí mới cho tượng vua Lê Lợi cũng có sự kết nối, gắn bó với Chợ Bình Tây đã hình thành, phát triển hơn 100 năm, đi vào tiềm thức của người dân Sài Gòn - Chợ Lớn và sự phát triển của TPHCM.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 4

UBND quận 6 cũng phân tích, nếu an vị tượng vua Lê Lợi tại đây cũng tạo trục liên kết trong phát triển du lịch chung với Chợ Bình Tây - Nhà truyền thống cách mạng người Hoa - hầm in bí mật Ban Tuyên huấn Hoa vận. Bức tượng sẽ gắn với hình ảnh trên bến dưới thuyền của tuyến kênh Lò Gốm, Bến Bình Đông, kênh Hàng Bàng…

Theo phương án trên, tượng vua Lê Lợi sẽ được thiết kế, phục dựng gần như nguyên bản với hình ảnh vị vua đứng trên đài sen, mô đất được cách điệu hình tròn - vuông nhô cao của đỉnh nhụy sen, hạt sen là hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, vật liệu sử dụng là đá xanh rêu Thanh Hóa. Phương án này sẽ tiết kiệm 8 tỷ đồng so với việc đặt tượng vua Lê Lợi tại Công viên Phú Lâm.

Tượng vua Lê Lợi đang ở đâu?

Sau khi di dời khỏi vòng xoay Cây Gõ, tượng vua Lê Lợi được TPHCM lưu giữ, bảo quản tại Công viên Phú Lâm. Tượng được bảo quản bởi lớp khuôn thạch cao bọc ngoài cùng hệ khung thép bảo vệ. Tất cả khung và tượng được phủ bạt che kín.

Đầu năm 2024, TPHCM đã thực hiện kiểm định chất lượng toàn diện tượng vua Lê Lợi. Điểm bất ngờ là mặc dù phơi nắng, dầm sương hơn nửa thế kỷ, bức tượng vẫn có kết cấu vững chắc và hoàn toàn đủ điều kiện phục dựng.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 5

Tượng vua Lê Lợi đang được phủ bạt, bảo quản tại Công viên Phú Lâm (Ảnh: Q.H.).

Tượng vua Lê Lợi về tổng thể tượng còn nguyên vẹn, bề mặt ngoài có dấu hiệu phong hóa nhẹ, lớp bề mặt tượng nứt vỡ cục bộ, một số vị trí để lộ cốt thép hoen rỉ và xuất hiện nhiều lằn nứt nhỏ trên bề mặt tượng. Tượng có các vết nứt nhỏ (chân chim) trên toàn bộ tượng, vết nứt lớn tập trung vào vị trí vai cánh tay cầm cờ; vết vỡ cục bộ tập trung vào vị trí chân phải, đai lưng...

Kết quả này là cơ sở để thực hiện các phương án tiếp theo để an vị tượng vua Lê Lợi tại vị trí mới. Sau khi chuyển đến vị trí cần phục dựng, tượng sẽ được bơm xử lý các vết nứt, chống thấm, cùng biện pháp bảo quản chuyên sâu những điểm hư hỏng để phục dựng toàn bộ bề mặt bị phong hóa.

Vừa qua, công tác xây dựng mới, trùng tu các tượng đài là một trong những vấn đề được TPHCM thể hiện sự quan tâm lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), địa phương hướng tới hình thành nhiều hơn các công trình mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử để phục vụ người dân, du khách.

Tìm nơi an vị tượng vua Lê Lợi ở ẩn hơn một thập kỷ tại TPHCM - 6

Tượng đài Phan Đình Phùng tại vòng xoay Phan Đình Phùng (quận 5) vừa được chỉnh trang, tu sửa (Ảnh: Hải Long).

Gần đây nhất, HĐND TPHCM đã thông qua việc chi 106 tỷ đồng để xây tượng đài Nam Bộ kháng chiến tại Công viên 23 Tháng 9. Công trình nhằm ghi công chiến sỹ cách mạng, anh hùng liệt sỹ và người dân đã hy sinh, góp sức cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

TPHCM cũng nghiên cứu phương án xây dựng tượng đài Thống Nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), trong không gian khu vực Quảng trường Thủ Thiêm, công viên hồ trung tâm, phía đường Tố Hữu. Các đơn vị đang nghiên cứu thiết kế kiến trúc cảnh quan, quy mô tượng đài phù hợp với không gian chung của nơi đặt tượng, tạo thành cảnh quan đặc sắc cho khu vực.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, ngoài các tượng đài được dựng mới, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 10 tượng đài được làm trước năm 1975. Hầu hết là tượng danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương (Ngã 6 Phù Đổng, quận 1), Trần Hưng Đạo (Công trường Mê Linh, quận 1), An Dương Vương (quận 5), Phan Đình Phùng (giao lộ Châu Văn Liêm - Hải Thượng Lãn Ông, quận 5)… Trong đó, một số tượng đài đã bị xuống cấp, rất cần được chỉnh trang, tu sửa.

Vua Lê Thái Tổ, tên húy là Lê Lợi (1385 -1433), là người sáng lập triều đại Hậu Lê. Ông là một trong những vị vua kiệt xuất nhất lịch sử Việt Nam.

Vua Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc minh và giải phóng đất nước vào đầu thế kỷ XV. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông đã quy tụ nhiều tướng lĩnh và nhân sĩ xuất chúng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, và nhiều anh hùng khác.

Vua Lê Lợi được biết đến là một người có tài thao lược, mưu lược cao thâm và lòng quyết tâm mãnh liệt. Trong triều đại của mình, vua Lê Lợi được phong hiệu: Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoàng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao Hoàng Đế. Đây là một danh hiệu cao quý, thể hiện sự kính trọng và ngưỡng mộ của người dân đối với ông.