1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tìm chủ cho "thú cưng" bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Nhóm cứu hộ chó, mèo của anh Quang đã và đang cố gắng từng ngày để lo cho những "thú cưng" có cuộc sống tốt nhất.

Hơn mười năm qua, anh Trần Minh Quang (SN 1985, trú quận Thanh Xuân, Hà Nội) và các tình nguyện viên đã cứu hộ gần 3.000 chú chó, mèo bị bỏ rơi không người chăm sóc. 

Hiện nhóm cứu hộ có tên Sân Nhà Nhiều Chó do anh Quang sáng lập vào năm 2021 đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 220 chú "thú cưng" đủ các chủng loại, kích cỡ.

Ngôi nhà đặc biệt cho chó, mèo bị bỏ rơi

Công việc của anh vào những ngày cuối năm luôn tất bật khi phải liên tục chăm, kiểm tra các chú chó đang ốm, bệnh nặng. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh luôn gọi chó, mèo là "bạn 4 chân".

Anh chia sẻ, việc thành lập nhóm xuất phát từ ý tưởng cứu giúp nhiều hơn những động vật bị chủ bỏ rơi, không ai chăm sóc hoặc giải cứu từ các lò mổ.

Để chó, mèo sau khi được giải cứu có một môi trường tốt nhất phát triển và sớm có chủ mới đến nhận nuôi nhóm của anh Quang đã thuê một trang trại rộng khoảng 10.000m2, nằm cách xa khu dân cư ở thôn Trình Xá, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 1

Chó ta là một trong những loại ít có cơ hội tìm được chủ mới, đây cũng là điều mà anh Quang và nhiều thành viên trong nhóm trăn trở trong thời gian qua.

"Những ngày mới thuê về đây áp lực kinh khủng, thiếu thốn trăm bề bởi số lượng chó quá nhiều, diện tích rộng nhưng không có lưới che chắn nên chỉ cần sơ sẩy là chúng bỏ chạy.

Lúc đấy, mọi người phải hô hoán nhau cùng đi tìm, vào ban ngày còn đỡ chứ lúc đêm khuya thì vất vả lắm.

Giờ nghĩ lại những ngày đấy vẫn thấy hãi, không hiểu vì sao chúng tôi lại vượt qua được giai đoạn khó khăn đó", anh Quang nhớ lại những ngày đầu về trang trại ở thôn Trình Xá.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 2

Theo anh Quang, những "bạn 4 chân" mới được đưa về trang trại sẽ có lồng nhốt riêng. Sau khi test kiểm tra sức khỏe, tiêm phòng xong mới được ở chung với các con khác.

Theo một số thành viên trong nhóm cứu hộ Sân Nhà Nhiều Chó, ngoài việc chăm cho những con khỏe mạnh thì các ca bệnh nặng của "thú cưng" khi đưa đến bệnh viện chi phí cũng rất tốn kém mặc dù đã được các bệnh viện thú y giảm giá. 

Hiện nhóm của anh Quang đang có khoảng 50 con bị bệnh nặng được điều trị tại các bệnh viện thú y trên địa bàn Hà Nội.

Kinh phí điều trị chủ yếu do thành viên trong nhóm tự nguyện đóng góp và mạnh thường quân hỗ trợ. Đối với những ca nặng, tốn kém tiền triệu phải cần gấp thì những thành viên có kinh tế khá giả tự bỏ tiền túi ra để giải quyết.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 3

Đối với các chú chó đẹp, khỏe mạnh đã được tiêm phòng, test sức khỏe đầy đủ sẽ nhanh có người đến nhận nuôi.

"Nhiều người cứ nghĩ chó, mèo được cứu hộ là xong nhưng thực tế không phải như vậy bởi ngoài tiền ăn, tiền nhân công, tiền thuốc thì còn một số tiền rất lớn đó là chi trả cho những chú chó, mèo bị bệnh phải nằm viện. 

Ở trang trại bây giờ một ngày hết khoảng 40kg gạo, 30kg thịt là thức ăn của các "bạn 4 chân", tổng chi phí các khoản một tháng khoảng 100 triệu đồng", anh Quang chia sẻ.

Nỗi lo tìm chủ mới

Do không đủ sức chăm hết những chú "thú cưng" bị bỏ rơi nên việc quan trọng của nhóm anh Quang là phải tìm chủ tốt cho chúng. 

Tuy nhiên, việc tìm chủ lại không hề dễ bởi nếu giao cho người không biết chăm sóc hoặc muốn nuôi với động cơ xấu như giết thịt hay bán lại cho lò mổ thì mọi cố gắng ban đầu của cả nhóm công cốc.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 4

Những chú ốm, bệnh, xấu sẽ rất ít có cơ hội tìm được chủ mới, có con đã gắn bó với anh Quang gần 7 năm.

Để biết được chủ mới có thật lòng muốn nhận về nuôi hay không nhóm của anh Quang có một bộ phận phỏng vấn riêng làm việc rất chặt chẽ. 

Chủ sau khi tìm được các chú chó, mèo ưng ý phải đến phỏng vấn trực tiếp và qua cách nói chuyện, cử chỉ, hành động,... sẽ quyết định việc có được nhận nuôi hay không.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 5

Là một trong những thành viên luôn túc trực tại trang trại, anh Nguyễn Minh Trí (SN 1982, ở Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, các thành viên trong nhóm nhiều lần đã phải cấp tốc vượt hàng trăm cây số để cứu hộ chó, mèo ở các tỉnh như Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng,...

Sau đó, chủ phải bỏ thêm một khoản tiền "vía" nhất định, số tiền này được sử dụng để chăm sóc cho các con còn lại.

Đối với những con khỏe mạnh, hình thức đẹp sẽ được nhiều người nhận nuôi. Còn đối với những con đã già, xấu, bệnh tật lại rất khó khăn trong việc tìm chủ mới.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 6

Các vết sẹo trên tay anh Quang khi bị chó cắn, mỗi lần bị cắn anh đều phải tiêm phòng dại. Đến nay, anh không nhớ mình đã phải tiêm phòng bao nhiêu mũi.

"Để tránh tình trạng mua đi, bán lại, người chủ mới bắt buộc phải liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh, sức khỏe của các "bạn 4 chân" trong 6 tháng đầu", anh Quang nói.

Cứ vào dịp Tết nhóm lại rơi vào tình trạng quá tải do lượng chó, mèo tiếp nhận nhiều.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 7

Các chú "thú cưng" tại trang trại rất vui mừng khi thấy anh Quang lại gần.

Với số lượng công việc lớn, nhóm liên tục tuyển tình nguyện viên nhưng một số người chỉ sau thời ngắn làm việc đã cảm thấy nản và quyết định từ bỏ. 

Theo chị Bùi Thu Trang, nhân viên, tình nguyện viên làm việc tại trang trại rất ít người trụ được lâu dài bởi nơi làm việc bị ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, khối lượng công việc nhiều, nguy hiểm.

"Phải là những người rất khỏe mạnh và yêu công việc mới có thể trụ được ở đây", chị Trang nói.

Tìm chủ cho thú cưng bị bỏ rơi ở Hà Nội: Tôi chỉ sợ họ mang về làm thịt - 8

Nhiều chú chó nhìn bề ngoài hiền nhưng thực chất lại rất hung dữ.

Anh Minh Quang thừa nhận các chú chó rất nguy hiểm, bởi chúng có bản tính tự nhiên và anh đã nhiều lần bị cắn.

Để đảm bảo an toàn, hiện nhiều thành viên trong nhóm tiêm phòng dại một năm hai lần.

Một trong những đặc điểm mà anh Quang rất thích ở loài chó đó là tính trung thành và sống là tình cảm.

"Có những bạn về đây ở được một năm rồi nhưng vẫn không quen với những người chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi có chủ đến xin nhận lại thì từ xa chúng đã nhận ra và vẫy đuôi", anh Quang kể.