Nữ công nhân bị "xa lánh" vì lấy tiền cưu mang hàng trăm chó mèo bị bệnh
(Dân trí) - Từ ngày cưu mang chó, mèo bị bỏ rơi, mối quan hệ của chị Mai với người thân, bạn bè dần xa cách, thậm chí có người còn nói chị bị "khùng" vì lượm chó, mèo bệnh tật bị vứt ở bãi rác về cứu chữa.
Bán đôi bông vàng cứu chó
Chị Lê Nguyễn Sương Mai (39 tuổi) là công nhân làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Phú (Vĩnh Long). Chị Mai có cuộc sống êm đềm nhưng 2 năm trước vì thấy chú chó nhỏ hấp hối nằm phơi thân ngoài bãi rác nên đã đem về cứu chữa, kể từ đó cuộc sống của chị rẽ sang bước ngoặt mới.
Chị Mai kể, từ nhỏ chị rất sợ chó nhưng cách đây hai năm trên đường đi làm về chị nghe tiếng chó con nằm rên trong đống rác nên chị bỏ chú chó vào túi ni lông rồi đem về nhà.
"Lúc đó tôi chưa biết bé Ngáo (tên chó- PV) bị bệnh gì. Đút cháo hay nước cho bé ăn đều bị tiêu chảy ra máu. Tôi lần tìm các hội nhóm "Yêu cún cỏ" trên mạng xã hội thì mọi người bảo mang đến thú y chữa trị gấp. Có lẽ nhờ phép màu của tình thương, bé Ngáo được cứu sống và nó đã ở với tôi cho đến hôm nay", chị Mai nhớ lại.
Sau bé Ngáo, chị Mai tiếp tục cứu một bé chó bị bệnh nặng sống lang thang ở Thạnh Phú (Bến Tre).
"Lần đó nhận tin vào chiều 30 Tết nhưng vét hết tiền trong túi cũng không có nổi một triệu đồng, tôi làm liều đem đôi bông vàng bán đi rồi thuê xe tức tốc qua Thạnh Phú mang chú chó đến thú y. Tuy nhiên vì mắc bệnh quá nặng, khi đem về chú chó nhỏ chỉ sống được vài tuần rồi mất", chị Mai kể.
Từ một cô gái không thích chó, không am hiểu về thú y nhưng giờ đây chị Mai đã trở chủ một trạm cứu hộ động vật ở Vĩnh Long.
Chị Mai chia sẻ: "Việc thành lập trạm này xuất phát từ ý tưởng cứu giúp những chú chó, mèo bị chủ bỏ rơi, không ai chăm sóc. Qua mạng xã hội, hễ gặp chó mèo bị bỏ rơi tôi sẽ trực tiếp có mặt đem chúng về nhà nuôi. Những chỗ xa nhất tôi từng cứu là ở Vũng Tàu, Phú Quốc".
Lượng chó, mèo ở nhà chị Mai ngày một nhiều hơn. Phần đất trống rộng 200m2 cặp mái hiên được chị Mai cất thành mái nhà chung cho chó, mèo bị bỏ rơi. Trại gồm khu nuôi chó nhỏ, chó lớn, phòng cách ly chó bệnh nặng và khu nuôi mèo.
"Nếu tính số lượng thì tôi đã cứu khoảng 300 con nhưng vì nhiều con mất khi mới đem về, mất ở thú y... nên giờ chỉ còn hơn 170 con. Những con bệnh nhẹ tôi sẽ tự trị nhưng những trường hợp bệnh nguy hiểm, thương tích nặng do bị xe tông, bạo hành tôi mang ra thú y", chị Mai chia sẻ.
Việc cứu chó, mèo cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là cho chính bản thân chị Mai. "Nhiều trường hợp chó có tính phòng vệ cao đã cắn tôi khi tôi bắt nó về trạm, hoặc lúc cho ăn, chích thuốc chị vẫn bị cắn nhưng sau một tuần chăm sóc chúng sẽ quen", chị Mai kể.
Không còn bạn bè vì cưu mang chó, mèo
Hỏi về chi phí nuôi đàn chó, mèo bị bỏ rơi, chị Mai thành thật chia sẻ, trước chị làm công nhân thu nhập tạm đủ lo cho 2 đứa con. Sau này khi cưu mang chó, mèo quá nhiều, chị không sắp xếp đủ thời gian nên chị nghỉ việc chuyển sang bán thức ăn sáng. Duy trì không được lâu thì quán ăn cũng đóng cửa chị chuyển sang làm tạp vụ ở quán ăn.
Thu nhập làm thuê và tiền sinh hoạt phí đủ cho chị lo cho con, về chi phí cho chó mèo tốn cả triệu đồng/ngày hay chữa bệnh, phần này chị may mắn được mạnh thường quân yêu chó, mèo giúp đỡ thêm.
"Từ lúc cứu chó, mèo về nuôi tôi không còn bạn bè. Có người nói tôi bị "khùng" vì không cứu người mà đi lượm chó, mèo về nuôi, nhưng tôi không hối hận. Tôi tìm thấy niềm vui, tìm thấy hạnh phúc khi có thể dùng yêu thương sưởi ấm cho chúng.
Có nhiều con biết rõ khi đem về nuôi nó sẽ chết nhưng tôi vẫn mang chúng về nhà vì không muốn để các bé phải chịu đau đớn, ghẻ lạnh ngoài đường", chị Mai bộc bạch.
Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, chị tiếp tục công việc, đồng thời thuyết phục người thân chấp nhận. "Công việc cưu mang chó mèo không đơn giản nhưng mong ước trong cuộc đời của tôi chỉ có vậy, tôi sẽ tiếp tục công việc này cho khi mình không đủ sức nữa thì thôi", chị Mai tâm sự.