Tìm các em trong vô vọng!
(Dân trí) - Cho đến cuối ngày 8/10, thi thể của 18 em học sinh mất tích trên <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/145496.vip">chuyến đò định mệnh</a> ở bến Chôm Lôm vẫn “bặt vô âm tín”. Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã mời một đội vớt xác lành nghề gồm 13 người quần thảo khắp bến đò trong vòng bán kính 5km từ 22 giờ tối qua nhưng tuyệt không dấu vết về các em xấu số.
Bến đò Chôm Lôm không rộng, không sâu. Tuy nhiên, theo người dân ở đây thì tại điểm đò chìm có một vực xoáy, nguồn nước chảy quanh co gấp khúc, hiểm trở, phía dưới lòng sông lại chảy ngầm, tạo ra nhiều vực xoáy nên rất khó khăn cho công việc tìm kiếm thi thể các em mất tích.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt - 1 trong 13 người trong đội “thợ câu xác” nhận định: “Rất có thể xác các em và chiếc đò chìm bị nước cuốn trôi ra xa vì đây là vùng đầu nguồn, nước chảy mạnh và xiết. Cũng có thể các em bị mắc kẹt những kẽ cây, ngách đá… Chưa khi mô tui gặp khó khăn như vậy nhưng anh em trong đội sẽ cố gắng hết sức để tìm được các em”.
Nước mắt quanh những chiếc hòm đóng vội
Sáng 8/10, chúng tôi cùng đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đến thăm lần lượt 14 gia đình nạn nhân xấu số. Sau cơn tầm tã tối 7/10, Chôm Lôm vẫn chìm trong không khí đau buồn tang tóc. Nhiều người dân vẫn ngồi cúm rúm bên bờ sông nhìn xa như không thể chấp nhận nổi cái ngày đại tang mà bản mình phải gánh chịu. Không còn cảnh bến Chôm Lôm nhộn nhịp bởi tiếng trẻ gọi nhau í ới đến trường mà chỉ nghe tiếng gào thét đến xé lòng của những người cha người mẹ.
Bên bàn thờ nghi ngút khói hương của hai con gái Lô Thị Trang và Lô Thị Hợp, vợ chồng anh Lô Văn Xuân gục đầu vào nhau mà thảm thiết, nức nở. Dường như nước mắt đã cạn, họ chỉ còn biết an ủi nhau vượt qua nỗi đau lớn. Xung quanh nhà anh chị còn có gần chục gia đình khác cũng đang sống trong cảnh mất con, mất cháu.
Ông Lộc Minh Tỵ - Trưởng bản Chôm Lôm cho biết: “Sở dĩ gia đình những nạn nhân xấu số đều ở san sát nhau là vì các em đều cùng học cấp 2 nên sớm hôm đó cùng rủ nhau đi học. Không ngờ gần 20 em mãi mãi không trở về. May mắn là hàng chục em khác thoát khỏi được lưỡi hái tử thần…”.
Vào sâu trong bản, vẳng trong tiếng khóc là tiếng đục đẽo, cưa bào của gia đình nạn nhân chuẩn bị vỏ hòm cho các em. Nuốt nước mắt vào trong, những thân nhân của các em đóng vội những chiếc hòm gỗ làm chỗ cho các em yên nghỉ, nhưng chờ mãi, chờ mãi, vẫn không thấy dấu vết các em đâu…
Chúng tôi đi giữa bản Chôm Lôm trong không khí lành lạnh, gai gai. Không biết đến bao giờ người dân Chôm Lôm mới quên được những ngày đau đớn này khi mà xác hàng chục các em vẫn đang ở dưới lòng sông.
Người ở lại hoảng loạn
Danh sách 19 học sinh thiệt mạng:
1. Ngân Văn Tả - lớp 6A 2. Lộc Thị Chinh - 6A 3. Lô Thị Trang - 6C 4. Lô Thị Hợp - 8A 5. Lương Thị Loan - 6C 6. Lương Thị Anh - 7B 7. Lương Thị Sương - 6C 8. Hà Thị Thân - 9A 9. Hà Thị Hằng - 8A 10. Lộc Văn Huế - 6B 11. Lộc Văn Trường - 6C 12. Ngân Quốc Hùng - 8C 13. La Thị Thúy - 9A 14. La Thị Ngân - 7A 15. Lộc Thị Hạnh - 8A 16. Lô Thị Hương - 6B 17. Lộc Thị Thảo - 9A 18. Lương Văn Tuấn - 7C 19. Lộc Thị Duyệt - 8B |
Năm 1998, bản Chôm Lôm - bản dân tộc Thái được công nhận là bản văn hoá đầu tiên của xã. Năm nào Chôm Lôm cũng có học sinh trúng tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học. Theo đánh giá của các thầy cô giáo, con em Chôm Lôm rất ngoan và học giỏi. Trong số 19 em thiệt mạng thì có 4 em là học sinh giỏi và nhiều em khác học khá.
Trong năm học này, cả bản có gần 80 em là học sinh cấp 2, nghĩa là ngày nào các em cũng phải qua bến đò định mệnh này mới đến được trường. Hàng chục em học sinh thoát hiểm trong chuyến đò oan nghiệt ngày 7/10 hiện vẫn chưa hoàn hồn. Nhiều em không còn dám ra bến đò, sợ phải đến trường.
Anh Kha Văn Tuất (39 tuổi), bố của em Kha Thị Tuyết, học sinh lớp 6B Trường THCS Lạng Khê tâm sự: “Sáng hôm đó cháu nhà tui đi học sớm lên chuyến đò đầu nên nỏ việc chi cả. Đến chuyến thứ 2 thì mới xảy ra cơ sự. Khi nghe tin dữ, cả bản ai cũng rụng rời chân tay. Cháu Tuyết đi học về, chẳng nói chẳng rằng chạy thẳng vào buồng nằm khóc. Tui hỏi thì cháu bảo: “Con không đi học nữa mô, sợ lắm bố ạ…”. Tui chỉ biết động viên con chứ biết mần răng được?!”.
Ông Trương Vĩnh Lộc, người có sáu đứa cháu mất tích, hai hôm nay thất thần như người ở cõi khác. Nỗi đau quá lớn đã đốn gục người đàn ông tưởng như không gì có thể quật ngã. “Gần 170 hộ dân trong bản có lẽ sẽ không bao giờ quên cái ngày định mệnh ni” - anh Tuất thảng thốt. Nhiều người trong bản cũng cho biết như thế.
Mẹ em La Thị Gơm nức nở khi theo sau chồng cõng đứa con gái đến trạm xá xã tâm sự: “Từ khi được cứu sống cháu nỏ nói năng chi cả. Cứ ngồi thu lu ở góc phòng. Đêm nằm chợt tỉnh chợt mơ rồi vùng dậy như người mất hồn. Thương con đứt ruột nhưng vợ chồng tui nỏ biết làm chi hơn”.
Thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng vừa qua, em Kha Tấn Duy (lớp 8C) vẫn chưa thôi run rẩy. Có lẽ mãi mãi trong em, những Tả, Chinh, Trang, Hợp, Loan, Hương, Sương, Huế, Hạnh, Hằng, Trường, Hùng, Thảo, Anh, Thân, Thúy, Ngân, Tuấn, Duyệt - tất cả 19 người bạn mất tích sẽ là niềm ký ức đau đớn chẳng dễ gì nguôi ngoai.
Đặng Nguyên Nghĩa