1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiếp cận giáo dục chất lượng là thách thức với trẻ em dân tộc thiểu số

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Thời gian trước đây, trẻ em gái dân tộc thiểu số (DTTS) có tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn trẻ em trai DTTS, nhưng mấy năm gần đây tỷ lệ này đã đảo ngược.

Vấn đề giới trong giáo dục cho người dân tộc thiểu số

Theo Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), thời gian trước đây, trẻ em gái DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường cao hơn trẻ em trai DTTS.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế này dần đảo ngược theo hướng trẻ em gái DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi cao hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường thấp hơn trẻ em trai DTTS.

Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em gái DTTS cao hơn trẻ em trai DTTS ở tất cả các cấp học, cấp học càng cao thì chênh lệch càng lớn hơn. Ở bậc tiểu học, khoảng cách chỉ là 0,2 điểm phần trăm; ở cấp THCS, khoảng cách này đã tăng lên 3,3 điểm phần trăm và cấp THPT là 7,5 điểm phần trăm.

Sau 10 năm kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, tỷ lệ trẻ em DTTS ngoài nhà trường giảm gần hai lần, từ 26,4% năm 2009 xuống còn 15,5% năm 2019.

Tiếp cận giáo dục chất lượng là thách thức với trẻ em dân tộc thiểu số - 1

Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em gái DTTS cao hơn trẻ em trai DTTS ở tất cả các cấp học, cấp học càng cao thì chênh lệch càng lớn hơn (Ảnh: UN Women).

Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường của 53 DTTS vẫn cao hơn gần 2 lần tỷ lệ này của cả nước và gần 3 lần dân tộc Kinh. Tỷ lệ trẻ em trai DTTS ngoài nhà trường cao hơn trẻ em gái, mức chênh lệch là 1,9 điểm phần trăm (16,4% so với 14,5%).

Các lý do trẻ em DTTS ngoài nhà trường là bỏ học để lao động sớm, kết hôn sớm và khoảng cách tới trường học quá xa.

Trẻ em DTTS yếu tiếng Việt trong khi giáo viên hạn chế về tiếng dân tộc đã gây cản trở việc huy động trẻ và chất lượng giáo dục mầm non ở vùng DTTS và miền núi.

Quãng đường đến trường THPT của trẻ em DTTS trung bình là 10,9km. Trẻ em của 14/53 DTTS phải vượt quãng đường từ 20 đến trên 50km đường rừng núi nguy hiểm để đến trường.

Càng lên vùng núi cao, hệ thống trường, lớp càng phân tán nhỏ lẻ, tỷ lệ kiên cố hóa càng thấp, điểm trường, lớp ghép vẫn tồn tại nhiều ở vùng DTTS&MN.

Một số địa phương vẫn còn phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu, công trình vệ sinh thiếu và không đảm bảo, thiếu công trình nước sạch.

Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) thiếu chỗ ở, bếp nấu ăn, thiếu nước sạch, thiếu công trình vệ sinh.

Đội ngũ giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm thực tế nên hạn chế trong vận động học sinh DTTS đến trường; giáo viên ít hiểu biết về văn hóa, thiếu kỹ năng ngôn ngữ dân tộc nên hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Dạy học bằng tiếng DTTS chưa rộng khắp và hạn chế ở một vài tiếng dân tộc. Giáo dục văn hóa dân tộc (VHDT) trong trường phổ thông vùng DTTS&MN còn nhiều hạn chế từ việc xây dựng chương trình, tài liệu đến triển khai thực hiện giáo dục đều chưa đạt chất lượng và yêu cầu.

Tỷ lệ biết đọc, biết viết chữ phổ thông của người DTTS mới đạt 80,9% (nam 86,7%, nữ 75,1%), thấp hơn đáng kể so với người kinh (nam 97%, nữ 94,6%). Ở nhóm tuổi càng cao thì tỷ lệ người DTTS, đặc biệt nữ DTTS, biết đọc, biết viết chữ phổ thông càng thấp.

Trong nhóm từ 35-44 tuổi, có tới 30,3% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết chữ phổ thông. Đây là rào cản đối với phụ nữ trung tuổi trong tham gia vào các khóa đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư được tổ chức thường xuyên ở địa phương.

Hầu hết chính sách giáo dục và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh DTTS hiện hành đều trung tính về giới. Mặc dù các chính sách này không trực tiếp đề cập đến nữ hay nam, tuy nhiên có thể làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề nghiệp.

Cụ thể, Luật Giáo dục (2019) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) đã quy định những biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp cho người DTTS, tuy nhiên hầu hết các quy định này đều "trung tính giới".

Luật Bình đẳng giới (2006) có quy định về đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên chưa bao quát được những vấn đề giới đặc thù trong lĩnh vực DTTS.

Một số giải pháp khắc phục

Theo UN Women, để khắc phục tình trạng trên các cấp chính quyền cần đẩy mạnh huy động trẻ em DTTS đến trường ở tất cả các cấp học từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Cụ thể, cần tập trung vận động các nhóm trẻ em trai và gái DTTS có nguy cơ bỏ học để tham gia lao động và không kết hôn sớm. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để đề xuất các gói giải pháp tổng thể, trong đó cần kết hợp giữa giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức với giải pháp hỗ trợ hộ gia đình DTTS phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Các cấp chính quyền cần tăng cường hoạt động tư vấn giáo dục nghề nghiệp và tư vấn việc làm có chất lượng cho trẻ em DTTS ngay tại nhà trường phổ thông (THCS và THPT).

Tiếp cận giáo dục chất lượng là thách thức với trẻ em dân tộc thiểu số - 2

Các cấp chính quyền cần đẩy mạnh huy động trẻ em DTTS đến trường ở tất cả các cấp học từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (Ảnh: UN Women).

Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp THCS; định hướng học sinh DTTS lựa chọn hệ thống giáo dục nghề nghiệp phù hợp với đặc điểm thị trường lao động địa phương, với xu hướng di cư lao động trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Giải pháp tiếp theo, UN Women cho biết, các cấp chính quyền cần đảm bảo cơ hội cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên nam, nữ của các DTTS rất ít người được tiếp cận bình đẳng tới chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập.

Đảm bảo tỷ lệ nam, nữ được thụ hưởng chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập bằng tiền mặt không quá 60% cho mỗi giới; Phân bổ các chỉ tiêu ưu tiên tuyển sinh phải căn cứ vào tình trạng bất bình đẳng giới của từng địa bàn và theo giới tính (nam-nữ);

Thiết lập hệ thống theo dõi - giám sát công bằng và có trách nhiệm giới trong ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên DTTS.

Ngoài 2 giải pháp trên, theo UN Women, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh phát triển hệ thống giáo dục mầm non có chất lượng ở các vùng DTTS để đảm bảo 100% trẻ em DTTS ở độ tuổi 4 tuổi và 5 tuổi được đi học.

Từ cách làm này sẽ giúp chuẩn bị cho các em về ngôn ngữ phổ thông và các kỹ năng cần thiết trước khi vào tiểu học...

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm