Tiền đâu để “ấn định” việc tăng lương đầu năm tới?
(Dân trí) - “Thực ra lương và thu nhập luôn là câu chuyện của cuộc sống, của con người và ai cũng vậy thôi, cũng đều mong muốn có được thu nhập cao hơn nhưng muốn tăng lương cần phải huy động 10.000 tỷ đồng nữa để lo việc này mà đến giờ chưa biết nguồn tiền ở đâu. Bài học của Hy Lạp vẫn còn đó.”
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 3/11 về đề xuất mới nhất của Chính phủ liên quan đến phương án trình lại kế hoạch tăng lương vào đầu năm 2016.
Báo cáo thẩm tra bổ sung về kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2016, UB Tài chính Ngân sách đề cập việc Chính phủ đề nghị trình phương án tăng lương khu vực công vào kỳ họp Quốc hội tới (tháng 3 năm sau). Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu 2 hướng ý kiến, quan điểm khác nhau trong UB Tài chính Ngân sách về vấn đề này, một hướng cho rằng không nên “cố” tăng lương, một hướng lại cho rằng tăng lương là việc nhất thiết phải làm. Vậy thường trực UB nghiêng về hướng ý kiến nào, thưa ông?
Chuyện tăng lương hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau trong thường trực UB Tài chính Ngân sách và tỷ lệ người ủng hộ ở cả 2 hướng đều ngang nhau. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng chúng ta chưa thể có điều kiện tăng lương một cách căn cơ, chỉ đảm bảo duy trì chế độ tăng lương 8% cho người có hệ số lương dưới 2,34 và những người hưởng lương hưu như Nghị quyết Quốc hội đã thông qua năm ngoái.
Ngoài ra, năm nay, Chính phủ tính toán bổ sung thêm phương án tăng lương với những người hưởng lương hưu trước năm 1995 mà có mức thu nhập dưới 2 triệu; xem xét điều chỉnh lương với giáo viên mầm non để nhóm viên chức này đạt được mức lương cơ bản.
Còn nếu thực hiện tăng lương với cả nhóm đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở lên, Chính phủ đã nhận định là nhiều khó khăn.
Cứ nói khó khăn nhưng sao các khoản chi khác vẫn đảm bảo trong khi nhiều đại biểu nhấn mạnh, tăng lương phải là ưu tiên đầu tiên trong các đầu việc cần xem xét vì chúng ta đã trì hoãn thực hiện lộ trình cải cách tiền lương 3 năm liên tục?
Để tính toán việc chi lương thì phải xem xét nguồn ở đâu vì tinh thần đã quán triệt là khi đưa ra Quốc hội quyết định một chính sách mới, cơ quan trình phải chỉ được nguồn lực thực hiện lấy từ đâu.
Tính toán lại thì thấy nguồn thu ngân sách hiện chưa ổn. Về giá dầu, những năm trước đây, ta đều xây dựng kế hoạch ngân sách với dự báo giá dầu ở mức 100 USD/thùng nhưng hiện tại, giá “đao” xuống chỉ còn 43-47 USD/thung, bình quân năm nay, giá bán dầu chắc chỉ đạt 50 USD/thùng. Với mức giá này, như báo cáo của Chính phủ, đánh giá của UB Tài chính Ngân sách, ngân sách Trung ương đã hụt thu ngân sách 61.000 tỷ đồng. Ngân sách địa phương dù vẫn tăng thu được nhưng sau khi bù đắp, đối trừ thì ngân sách nhà nước vẫn hụt thu 3.000-4.000tỷ đồng nữa. Nói như vậy để thấy nguồn thu từ dầu khí là khó khăn, không mong chờ khả năng có thêm nguồn này trong năm tới.
Về thu nội địa, 2016 là năm là nhiều chính sách thuế sẽ bước vào thời điểm có hiệu lực thực hiện. Thuế thu nhập DN sẽ giảm xuống chỉ còn 22%. Thuế thu nhập cá nhân, theo nguyên tắc là phải nâng lên khi hạ thuế thu nhập DN xuống nhưng khả năng cũng khó nâng được vì thường thì đề cập chuyện tăng thu khó lắm, chỉ giảm thu là nhiều người phấn khởi, ủng hộ.
Như thế nghĩa là tỷ lệ huy động thuế trong cơ cấu GDP đang ngày càng thấp đi, giai đoạn trước tỷ lệ này là 28,4% nhưng giai đoạn này chỉ còn khoảng 21% thôi và trong năm 2015, thậm chí tỷ lệ huy động thuế vào GDP chỉ còn 19%. Nên mừng vì thế nghĩa là nhà nước rất tạo điều kiện cho DN và hỗ trợ đời sống nhân dân trong lúc khó khăn này nhưng theo đó, rõ ràng nguồn thu ngân sách cũng giảm.
Báo cáo của Chính phủ có khẳng định sẽ thực hiện việc tăng lương vào nửa đầu năm sau không hay đó vẫn chỉ là một khả năng không cao đưa ra, thưa ông?
Chính phủ nói sẽ cố gắng để khai thác từ các nguồn thu, trong đó có biện pháp chống thất thu, nhất là chống nợ đọng thuế để có nguồn tăng lương. Nhưng đó là hướng trong năm nay thôi, còn biện pháp giải quyết tiền lương phải làm trong cả quá trình dài chứ không phải năm nay có nguồn thì tăng lương, năm sau không có lại thôi. Cần phải tính toán là cả quá trình trung hạn và đó cũng là điểm có thể thấy là nguồn thu của ta là khó để lo được.
Trong báo cáo, Chính phủ thể hiện rõ quan điểm là trong năm 2015 thì xin Quốc hội không bàn tăng lương. 50% đại biểu trong UB Tài chính Ngân sách đồng ý quan điểm này của Chính phủ, thống nhất đợi đến 2016 để xem những tháng đầu năm giá dầu thế nào, khả năng thu ngân sách thế nào thì sẽ xin ý kiến Quốc hội về kế hoạch bố trí lương cho cả giai đoạn tới. Việc này sẽ trình vào kỳ họp đầu năm sau (tức tháng 3/2016). Tôi cho rằng đây là 1 quan điểm tương đối chắc chắn.
Tuy nhiên cũng có ý kiến trong UB Tài chính Ngân sách cho rằng phải đưa nội dung này vào thực hiện ngay, có thể thay đổi, du di về thời điểm, như từ 1/5 hoặc từ 1/7/2016 nhưng chắc chắn phải thực hiện. Khi đó, cần phải huy động 10.000 tỷ đồng nữa để lo việc này mà đến giờ chưa biết nguồn tiền ở đâu.
Cái khó khác là năm sau chúng ta áp dụng chuẩn nghèo mới, chuẩn nghèo đa chiều, chuẩn nghèo được nâng lên mức thu nhập 700.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn và 900.000 đồng/tháng với khu vực đô thị. Việc này cũng kéo theo chi phí phải tăng thêm để hỗ trợ người nghèo. Mà như báo cáo của Chính phủ, nguồn thực hiện cũng chưa cơi nới lên được. Vậy thì tiền đâu mà ấn định việc tăng lương?
Nhóm ý kiến “ấn định” tăng lương cho rằng, trên cơ sở mặt bằng ngân sách đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan này phải tiết kiệm chi tiêu của mình từ xăng xe, điện nước, hội nghị, hội thảo để có nguồn thu xếp tăng lương. Tuy nhiên, cách thức này cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn, không phải là căn cơ, đảm bảo cho việc cải cách tiền lương trong dài hạn được.
Phương án nào cũng có mặt nọ mặt kia nhưng hướng để đến kỳ họp Quốc hội thứ 11 (tháng 3/2016) xem xét, tôi cho là an toàn.
Có ý kiến nói rằng, 4 triệu người ăn lương nhà nước cứ đòi thì những người lao động khác trong xã hội sẽ thế nào. Cũng là một người “ăn lương nhà nước”, ông có đồng cảm với quan điểm này?
Thực ra lương và thu nhập luôn là câu chuyện của cuộc sống, của con người và ai cũng vậy thôi, cũng đều mong muốn có được thu nhập cao hơn. Nhưng trong điều kiện ngân sách khó khăn thì những chi tiêu liên quan đến tiền lương phải hết sức thận trọng, cần tính đến yếu tố cân đối của ngân sách. Chưa cân đối ngân sách được thì đừng nghĩ chuyện đó vì chúng ta có rất nhiều bài học của các nước rồi, như Hy Lạp chẳng hạn, trong khi nợ như vậy, thu chi ngân sách như vậy mà vẫn tăng lương, tăng phúc lợi xã hội quá mức nên dẫn tới đổ vỡ, nợ công. Khi đó, sự mất ổn định xã hội vì không thực hiện được kế hoạch dài hơi còn khó khăn hơn nhiều.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)