“Hé cửa” khả năng tăng lương vào tháng 3/2016
(Dân trí) - Tiếp thu những ý kiến “thúc” tăng lương cơ sở, Chính phủ xin phép báo cáo về khả năng bố trí tăng lương năm 2016 và lộ trình tăng lương từ năm 2017 vào kỳ họp tới của Quốc hội (tháng 3/2016). UB Tài chính Ngân sách gợi ý tăng lương với người có hệ số lương trên 2,34, mức tăng 5%, thực hiện từ 1/5/2016.
Báo cáo thẩm tra bổ sung về tình hình ngân sách vừa hoàn thành cho kịp phiên thảo luận tại hội trường về nội dung này chiều nay, 3/11 của UB Tài chính Ngân sách khái quát, đến thời điểm này vẫn có 2 loại ý kiến khác nhau đối với vấn đề tăng hay tiếp tục lùi lộ trình điều chỉnh lương khu vực công.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu rõ những khó khăn “bất khả kháng” cho việc tăng lương cơ sở.
Trước hết, dự toán thu ngân sách đã được Chính phủ xây dựng tích cực, sát thực tế nên khó có thể dự toán ở mức cao hơn. Cụ thể, dự toán thu nội địa đã dự ước tăng 16,9% so ước thực hiện năm 2015, cao hơn dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế và trượt giá. Thu dầu thô đã tính giá bình quân 60 USD/thùng, cao hơn giá thời điểm hiện tại (48-50 USD/thùng).
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 8,1%, đồng thời đã tính vào thu cân đối ngân sách Nhà nước cả 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp. Đây là khoản thu một lần để cân đối ngân sách Nhà nước cho năm 2016, vì vậy cân đối thu ngân sách từ năm 2017 sẽ rất khó khăn, cơ quan thẩm tra lưu ý.
Lý do thứ hai là việc bố trí dự toán chi đã rất chặt chẽ. Bố trí chi trả nợ thấp so với yêu cầu (còn phải vay để đảo nợ 95.000 tỷ đồng), dự toán chi thường xuyên đã bố trí triệt để tiết kiệm, đã giảm 10% dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan Trung ương (trừ các khoản chi cho con người) so với dự toán năm 2015, hạn chế tối đa chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo.
Chi đầu tư phát triển bố trí ở mức thấp so với nhu cầu nên khó cắt giảm, không thể vay để chi tăng lương vì không đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và dẫn đến tăng bội chi và nợ công năm 2016 và các năm tiếp theo.
Sau nữa, theo ông Hiển, chưa thể tăng lương thời điểm này vì thực tế cho thấy năng suất lao động của khu vực hành chính Nhà nước còn thấp, bộ máy hành chính Nhà nước cồng kềnh.
Trong khi đó, tinh giản biên chế chưa được thực hiện quyết liệt và hiệu quả, cải cách khu vực sự nghiệp công còn chậm, việc tăng lương (dù là với mức tăng rất thấp cho mỗi cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang) cũng dẫn tới tăng chi lớn cho ngân sách, làm giảm nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (những đối tượng không hưởng lương Nhà nước).
Tuy nhiên, qua các diễn biến tại hội trường, rất nhiều đại biểu hối thúc phải tăng lương cho cán bộ công chức vì việc kìm giữ lương đã kéo dài 3 năm liên tục, thêm 1 năm nữa không điều chỉnh lương, đời sống cán bộ, công chức, viên chức rất khó khăn.
Xét thấy đây là nội dung quan trọng, Chính phủ đã quan tâm và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép báo cáo về khả năng bố trí tăng lương năm 2016 và lộ trình tăng lương từ năm 2017 trở về sau tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 (dự kiến vào tháng 3/2016).
Đây cũng là một nội dung được Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 10 diễn ra vào ngày 29/10 vừa qua.
Báo cáo thẩm tra nêu nhận định, đây là thời điểm đã có kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015 và căn cứ tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2016. Phương án này bảo đảm điều hành Ngân sách Nhà nước chủ động và chắc chắn, song chưa khẳng định được khả năng và thời điểm tăng lương, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng phản ánh loại ý kiến thứ hai tại cơ quan thẩm tra cho rằng, cần thiết phải tăng lương cho cán bộ, công chức có hệ số lương trên 2,34 với mức tăng là 5%, thực hiện từ ngày 1/5/2016. Còn các đối tượng khác vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành và bổ sung thêm đối tượng người nghỉ hưu lương thấp dưới 2 triệu và giáo viên mầm non như Chính phủ đã trình Quốc hội.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và nguyên tắc xây dựng dự toán ngân sách năm 2016 thì khi phát sinh chính sách mới cần phải có nguồn tài chính đảm bảo.
Do vậy, ý kiến này đề xuất về nguồn làm lương, trên cơ sở dự toán đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tự cân đối từ nguồn tăng thu, tiết kiệm và sắp xếp, cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên, sắp xếp lại bộ máy nhân sự và giảm tối đa các chi phí như tổ chức hội thảo, hội nghị, xăng xe, điện, nước, văn phòng phẩm, tiếp khách… và các khoản chi không thực sự cấp thiết khác để tạo nguồn tăng lương.
Cơ quan thẩm tra nhìn nhận, theo phương án này, một mặt sẽ cải thiện thêm thu nhập cho cán bộ, công chức, tạo mặt bằng chung trong hệ thống hành chính Nhà nước mà không làm tăng dự toán chi ngân sách. Vì nguồn kinh phí đã giao cho các bộ, ngành, địa phương tự tính toán, cân đối trên cơ sở tăng thu, tiết kiệm chi trong dự toán năm 2016 đã được giao.
P.Thảo