1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: "Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ"

Nhóm phóng viên
Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Ngày Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy hy sinh, bé gái 6 tuổi quay sang hỏi mẹ: "Bố mất rồi, chúng mình làm sao thành gia đình được mẹ?".

Cuộc gọi cuối cùng...

Trong tang lễ Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy diễn ra chiều 2/2 tại quê nhà Thái Nguyên, ông Võ Tiến Dũng (60 tuổi, trú tại tỉnh Ninh Thuận) bế cháu ngoại tên Cam, 13 tháng tuổi, lặng lẽ đứng từ xa. Đứa trẻ vui đùa hồn nhiên, chưa thể hiểu về sự ra đi đột ngột ở tuổi 31 của người cha phi công.

"Tôi vẫn chưa dám tin Duy đã hy sinh", ông Dũng nghẹn ngào nói. Hai ngày kể từ khi phi công Trần Ngọc Duy "về với bầu trời", ông chưa có một giấc ngủ trọn vẹn. 

Nhớ lại chiều 31/1, gia đình ông Dũng nhận tin con rể gặp nạn trong lúc bay huấn luyện chiến đấu Su-22 tại sân bay Yên Bái. Thiếu úy Võ Hoàng Minh Phương (26 tuổi, vợ anh Duy) tức tốc đặt vé máy bay cho gia đình từ Ninh Thuận ra Hà Nội. Ông chỉ nghĩ con gặp nạn, đang được điều trị tại bệnh viện.

"Trên máy bay, Phương đọc báo, biết rằng máy bay Su-22 của Duy gặp sự cố bất ngờ trên không. Duy được lệnh nhảy dù nhưng cố cứu máy bay. Chiếc Su-22 bị rơi, Duy hy sinh lúc 12h27. Tôi vô cùng đau xót, không muốn tiếp tục hành trình ra Bắc vì quá đau đớn", người đàn ông kể. 

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ - 1

Ông Võ Tiến Dũng, bố vợ Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy bế cháu ngoại mới 13 tháng tuổi. (Ảnh: Mạnh Quân).

Gần 22h30 cùng ngày, chiếc xe 16 chỗ chở gia đình ông Dũng đến TP Yên Bái. Họ bày tỏ mong muốn được nhìn mặt anh Duy lần cuối trước khi nhập quan, nên được đồng đội của anh đón ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. 

0h tại khu nhà đại thể của bệnh viện, sương giá phủ dày đặc. Bên trong, nhiều chiến sĩ lặng lẽ chuẩn bị tang lễ cho đồng đội.

"Tối 30/1, Duy gọi điện video gặp vợ và hai con gái, sau bảo phải ngủ sớm để mai bay huấn luyện. Nhưng tôi không ngờ, đó là chuyến bay và cuộc gọi cuối cùng của con", ông Dũng tâm sự, nói hơn một tuần trước, cả gia đình cùng đón một cái Tết trọn vẹn khi vợ chồng con gái út lần đầu tiên về ngoại ăn Tết dài ngày. 

Ba năm trước, Thiếu úy Minh Phương theo chồng từ Ninh Thuận ra Trung đoàn Không quân 921 ở Yên Bái làm việc. Cuối năm 2022, họ dành dụm, mua căn nhà cạnh cơ quan rồi sửa sang. Sau khi ổn định, anh Duy lên kế hoạch đưa vợ con về quê ngoại đón Tết cùng bố mẹ. 

Mỗi lần về Ninh Thuận, anh chỉ kịp nán lại một, hai ngày. Nhưng Tết năm nay, kỳ nghỉ của anh kéo dài tận 10 ngày. Nhà cửa ngày thường vắng vẻ nay bỗng rộn ràng tiếng cười nói của con cháu, vợ chồng ông Dũng rất phấn khởi. 

"Duy kể đang ấp ủ nhiều dự định, hoài bão cho tương lai, nhưng giờ thì con không còn cơ hội thực hiện nữa", ông Dũng nói.

Ngày phi công Trần Ngọc Duy hy sinh, bé Chip (6 tuổi), con gái đầu của vợ chồng anh, hiểu chuyện, quay sang hỏi mẹ: "Bố mất rồi, chúng mình làm sao thành gia đình được mẹ?".

Nghe xong, chị Phương khóc nghẹn, không biết trả lời con gái ra sao. Còn ông Dũng nghe cháu nói vậy như đứt từng khúc ruột, thương cháu gái vì sống cùng ông bà ngoại từ nhỏ nên ít khi được gặp bố. 

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ - 2

Nhân dân địa phương, người thân và đồng đội trong giây phút cuối tiễn đưa Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy. (Ảnh: Mạnh Quân).

...Và lời hứa đoàn tụ dang dở

Năm 18 tuổi khi đang học tại trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên), cậu học sinh Trần Ngọc Duy là người duy nhất trên địa bàn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tuyển phi công của trường Sĩ quan Không quân.

Anh trở thành niềm tự hào của xóm làng, gia đình mở tiệc lớn trước ngày con trai nhập ngũ vào tháng 9/2010. 

"Chúng tôi còn hay trêu bà nội 95 tuổi của Duy là cố giữ sức khỏe, chờ cháu phi công về đưa đi máy bay cho biết", bà Nguyễn Thị Sửu (84 tuổi, trú tổ 6 phường Quang Trung, TP Thái Nguyên) chia sẻ. 

Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan Không quân Nha Trang, chiến sĩ Trần Ngọc Duy về công tác tại Trung đoàn 937 đóng tại sân bay quân sự Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Tại đây, anh gặp gỡ và đem lòng yêu mến đồng nghiệp Minh Phương.

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ - 3

Thiếu úy Võ Hoàng Minh Phương khóc cạn nước mắt sau hai ngày lo chu toàn lễ tang cho chồng. (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngày chị Phương đưa người yêu về ra mắt, ông Dũng nhận thấy chàng phi công cao lớn, trưởng thành và chững chạc, nhưng chưa nghĩ rằng đây sẽ là chồng tương lai của con gái. 

Năm 2016, chị Phương xin phép gia đình được nên duyên vợ chồng với anh Duy. Ông Dũng đồng ý, khẳng định luôn tôn trọng quyết định của con, tạo điều kiện để cả hai yên tâm công tác.

Dù gia đình hai bên cách trở Bắc - Nam, nhưng ông Dũng chưa bao giờ lo lắng hay cảm thấy bất an. Bởi ông tin phi công Trần Ngọc Duy là người con hiếu thảo, người chồng mẫu mực. Cùng năm, cặp đôi kết hôn, lần lượt đón hai con gái tên Chip và Cam.

6 năm qua, trong mắt ông Dũng, anh Duy là người con rể hiền lành, sống tình cảm, biết quan tâm bà con hàng xóm. Gia đình xem anh như con trai trong nhà, không phân biệt dâu - rể.

Sau tang lễ, ông Dũng tính ở lại Thái Nguyên một thời gian để chăm sóc con gái và hai cháu ngoại, chưa tính ngày về. Người vợ sẽ tạm thay ông quán xuyến việc gia đình tại Ninh Thuận. 

"Khi nào Phương bình tâm trở lại, tôi mới tính đến chuyện về nhà", người đàn ông tâm sự.

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ - 4

Gia đình và đồng đội tiễn Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy đoạn đường cuối. (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong giây phút tiễn biệt con trai chiều 2/2, ông Trần Ngọc Côn nghẹn ngào cảm ơn Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn không quân 371, Trung đoàn không quân 921, chính quyền địa phương đã cùng gia đình tổ chức lễ tang, đưa tiễn nam phi công về nơi an nghỉ cuối cùng.

"Con trai tôi đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng đội, sự mất mát không thể bù đắp đối với gia đình", ông Côn nói.

Điếu văn truy điệu nhấn mạnh sự hy sinh của Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy là tổn thất to lớn đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, Quân chủng Phòng không - Không quân, Sư đoàn 371, Trung đoàn không quân 921 và gia đình.

Trong quá trình học tập, công tác, Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy luôn thể hiện là cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, sáng tạo, tích cực, chủ động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Trong 13 năm phục vụ lực lượng, anh đã trải qua nhiều chức vụ, bay trên các loại máy bay, tích lũy hơn 725 giờ bay.

Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong huấn luyện, chiến đấu và học tập công tác, Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy đã được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, huy chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh truy tặng huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm và nhiều danh hiệu thi đua bằng khen, giấy khen.

Phi công Trần Ngọc Duy được phong quân hàm Thiếu úy năm 2014, quân hàm Trung úy năm 2016, Thượng úy năm 2019 và Đại úy năm 2021. Ngày 1/2, anh được Bộ Quốc phòng truy thăng quân hàm Thiếu tá trước thời hạn.

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã ký quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho phi công Trần Ngọc Duy.

Tiễn biệt phi công Su-22 hy sinh: Bố mất rồi, sao thành gia đình được mẹ - 5

Thiếu úy Minh Phương được đồng đội dìu đỡ trong khoảnh khắc tiễn đưa chồng. (Ảnh: Mạnh Quân).

Cuối ngày, nhìn theo đoàn xe tang đưa Thiếu tá, phi công Trần Ngọc Duy về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang liệt sỹ Dốc Lim (Thái Nguyên), bà Vũ Thị Thúy (49 tuổi) khóc ngất: "Duy ơi, mẹ biết sống sao đây con ơi".

Còn với Thiếu úy Võ Hoàng Minh Phương, nước mắt sớm đã khô cạn. Chị được người thân dìu đến nhìn phần mộ của chồng, dùng chút sức lực còn lại rải đất, nói lời tiễn biệt anh, trước khi ngồi quỵ xuống đất.

Lời hứa 14 tháng Giêng anh Duy ra sân bay Nội Bài đón ba mẹ con chị Phương, nay đã không còn nữa.