Thuyền viên tàu không số năm xưa nhớ lại thời khắc quyết định đốt cháy tàu
(Dân trí) - Các lực lượng quân, dân phân chia nhau đào hầm, chôn giấu vũ khí tạm thời ở chân núi, sau đó cho đốt cháy tàu và loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy.
Ngày 30/10, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm di tích lịch sử bãi biển Lộ Diêu, nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu 5 thời kháng chiến chống Mỹ (1/11/1964-1/11/2024).
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, đây là địa điểm ghi dấu sự kiện vào sáng 1/11/1964, đội tàu 401 với hơn 30 tấn vũ khí đã đánh lừa tàu tuần dương của địch, vượt qua sóng gió, tăng tốc cập bến, đưa toàn bộ vũ khí lên bờ, cất giấu an toàn.
Tàu 401 là con tàu đầu tiên mở bến Khu V và duy nhất cập bến vùng biển Bình Định. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, thị xã Hoài Nhơn nói riêng.
Với sự thông minh, mưu trí, cùng phối hợp chặt chẽ của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, nhất là thôn Lộ Diêu, Phú Thứ, cán bộ, chiến sĩ tàu không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào những chiến công vang dội trên khắp chiến trường.
"Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa nhằm khẳng định giá trị lịch sử trường tồn của di tích, gắn liền với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây cũng là dịp để chúng ta tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc", ông Giang nhấn mạnh.
Cụ Lê Văn Nốt (90 tuổi, thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), thuyền viên tàu không số 401 năm xưa, kể lại, 4h ngày 1/11/1964, sau nhiều gian nguy, tàu không số đến bến Lộ Diêu. Tuy nhiên, xác định tàu không thể giao vũ khí và rời bến trước khi trời sáng nên chúng ta quyết định đưa tàu lên bãi cát.
Các lực lượng quân, dân phân chia nhau đào hầm, chôn giấu vũ khí tạm thời ở chân núi, sau đó cho đốt cháy tàu và loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy.
"Số vũ khí trên tàu không số sau đó được trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu V (sau này là Sư đoàn 3, Quân khu V) và lực lượng vũ trang trong tỉnh, góp phần làm nên chiến thắng trong các trận đánh địch sau này", cụ Nốt xúc động.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại tá Phạm Minh Chiến, Chính ủy Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân), chia sẻ: "Con tàu 401 hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đường Hồ Chí Minh trên biển có sự đóng góp rất to lớn của quân và dân tỉnh Bình Định nói chung, thị xã Hoài Nhơn nói riêng.
Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn 125, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân và Hải quân Việt Nam nói chung luôn trân trọng, tự hào, biết ơn, ghi nhớ, đặc biệt là các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đã hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Bình Định, thị xã Hoài Nhơn và các đơn vị Hải quân đã tặng quà tới nhân chứng sự kiện; các hộ dân khó khăn; trao kinh phí xây nhà đại đoàn kết; hỗ trợ kinh phí tôn tạo, nâng cấp nhà bia ghi danh liệt sỹ thôn Lộ Diêu.