1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bình Định:

Thủy điện gây sạt lở đất sản xuất, người dân yêu cầu bồi thường

Doãn Công

(Dân trí) - Theo người dân ở huyện Tây Sơn (Bình Định), sau gần 6 năm đi vào hoạt động, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của dân nhưng không chịu bồi thường.

Ngày 19/9, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đã giao UBND huyện Tây Sơn chủ trì làm việc lại với Công ty CP Tiên Thuận để có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở đất sản xuất ở thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) và bồi thường cho người dân theo cam kết trước đó.

Thủy điện gây sạt lở đất sản xuất, người dân yêu cầu bồi thường - 1
Người dân thôn Hòa Thuận (xã Tây Thuận) bị mất đất sản xuất do thủy điện gây ra.

Nếu Công ty CP Tiên Thuận tiếp tục trì hoãn, không chịu đền bù đất đai sạt lở cho người dân thì UBND tỉnh Bình Định sẽ buộc thủy điện này dừng phát điện.

Trước đó, vào cuối tháng 8 vừa qua, khi nghe Nhà máy thủy điện Tiên Thuận (thuộc Công ty CP Tiên Thuận) hú còi báo xả nước vận hành, nhiều người dân ở thôn Hòa Thuận đã tụ tập, kéo đến bao vây nhà máy, đồng thời yêu cầu bồi thường hoặc dừng hoạt động.

Ngoài ra, các hộ dân đề nghị công ty thủy điện cần phải xây kè kiên cố để bảo vệ ruộng đất và nhà cửa của người dân. Sau đó, nhân viên vận hành nhà máy thuyết phục thì người dân mới chịu ra về.

Theo người dân, từ khi đi vào hoạt động đến nay đã gần 6 năm, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận xả nước gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất tại cánh đồng Soi Xum (ở thôn Hòa Thuận), nhưng lại không chịu bồi thường. Diện tích sạt lở do nhà máy thủy điện xả nước ngày càng lớn, nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa lũ từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.

Đứng giữa vùng ruộng bị sạt lở thành sông, bà Bùi Thị Hòa (59 tuổi, thôn Hòa Thuận), bức xúc: “Từ khi có thủy điện Tiên Thuận thì lũ cuốn gây sạt lở ruộng đất. Bất kể mùa nắng cũng như mùa mưa cứ khi nào thủy điện xả nước là đất đai, ruộng đồng của dân bị sạt lở, cuốn trôi xuống sông. Giờ đám ruộng của tôi đều bị cuốn ra sông hết rồi. Nhiều năm qua người dân chúng tôi gửi đơn khiếu kiện nhiều nơi nhưng vẫn không ai quan tâm, giải quyết giúp. Hiện tại, sạt lở đang tấn công sang những cánh đồng khác khiến chúng tôi rất lo lắng”.

Ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận cho biết, trong năm 2019, chính quyền đã mời Công ty CP Tiên Thuận đến đo đạc, kiểm đếm và các bên đã ký xác nhận biên bản dự toán bồi thường, hỗ trợ thiệt hại với số tiền hơn 234 triệu đồng cho 10 hộ gia đình. Nhưng đến nay, Công ty CP Tiên Thuận vẫn chưa chi trả tiền đền bù nên người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Thủy điện gây sạt lở đất sản xuất, người dân yêu cầu bồi thường - 2
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân bị sạt lở xuống sông.

Trong khi đó, ông Phạm Đức Quân, Giám đốc Công ty CP Tiên Thuận giải thích, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận tạm dừng hoạt động trong thời gian qua nên gặp khó khăn về tài chính. Vài tháng tới, khi có doanh thu, công ty này sẽ cùng địa phương chi trả tiền bồi thường cho người dân theo đúng cam kết.

Được biết, Nhà máy thủy điện Tiên Thuận khởi công xây dựng từ cuối năm 2009, đến năm 2014 mới đưa vào vận hành 2 tổ máy phát điện, công suất lắp máy trên 10 MW, với tổng mức đầu tư 234 tỷ đồng.