Thượng tá công an kể khoảnh khắc cứu người trong vụ sạt lở đất ở Hà Giang
(Dân trí) - Khi phát hiện có tay, chân người thò ra từ đống đất, Thượng tá Học cùng đồng đội đã lao đến dùng cuốc, xẻng đào bới để cứu người.
Liên quan đến vụ sạt lở đất đá vùi lấp xe khách khiến 11 người chết, 4 người bị thương xảy ra tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, trao đổi với phóng viên, Thượng tá Phan Minh Học, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hà Giang cho biết, anh vẫn chưa hết ám ảnh bởi vụ sạt lở đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người.
"Chúng tôi cố hết sức để cứu người"
Thượng tá Học kể, địa điểm xảy ra vụ tai nạn cách trụ sở cơ quan khoảng 15km. Lúc 4h15 ngày 13/7, đơn vị nhận được thông báo về vụ sạt lở tại huyện Bắc Mê. Sau 10 phút, xe chỉ huy và ô tô chở 20 chiến sĩ PCCC&CNCH tới hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn.
"Ban đầu chúng tôi nghĩ chiếc xe khách bị lăn xuống vực. Anh em chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ trên xe như dây, máy cắt, các loại kẹp, kìm... nhưng khi đến nơi thì hiện trường lại khác.
Lúc đó tại hiện trường, đập vào mắt lực lượng cứu hộ là đống đất đá đồ sộ lên đến hàng trăm, hàng nghìn m3 chia cắt quốc lộ 34", Thượng tá Học kể.
Tới 10h ngày 14/7, tất cả các lực lượng cứu nạn tỉnh Hà Giang đã ngưng tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở huyện Bắc Mê.
Nhà chức trách xác định người thứ 12 mất tích trong vụ việc không tử vong, người này đã xuống xe từ trước đó và về đến nhà tại TP Hà Giang, ông Trần Mạnh Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê nói với phóng viên Dân trí vào sáng cùng ngày.
Trước đó, chiều tối 13/7, sau một ngày tìm kiếm tại hiện trường vụ sạt lở đất đá vùi lấp xe khách khiến 11 người chết, 4 người bị thương xảy ra tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, các đơn vị tham gia cứu hộ gồm bộ đội, công an, dân quân tự vệ và người dân đã rời khỏi khu vực hiện trường để đến vị trí an toàn.
Cũng theo Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hà Giang, khi tiếp cận hiện trường, anh cùng đồng đội rất lo lắng và chỉ mong có người còn sống.
"Lúc ấy anh em nghĩ rằng chỉ cần các nạn nhân còn thở, còn hy vọng là anh em sẽ cố hết sức để cứu người", Thượng tá Học nói thêm.
Ngay sau khi tiếp cận hiện trường, anh Học cùng đồng đội phát hiện một nam thanh niên thò tay và chân ra từ đống đất sạt lở, cách vị trí xe 16 chỗ khoảng 10m. Lúc này, mọi người lao đến dùng cuốc, xẻng đào bới để cứu người.
"Khi tiếp cận, chúng tôi phát hiện nam thanh niên đó bị đất vùi nửa chân, thân người nằm chếch bên bờ vực. Nam thanh niên này sau đó được xác định là Vừ Mí Sính và vẫn còn sống. Ngay sau lưng Sính là một người khác bị đá đè lên người đã tử vong.
Sau khoảng 10 phút, Vừ Mí Sính được đưa ra khỏi hiện trường và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang để cấp cứu. Lúc đó, khi cả đội cứu được nạn nhân còn sống, chúng tôi càng vững tin, càng cố gắng đào bới nhanh hơn, tìm kiếm những nạn nhân khác", Thượng tá Học chia sẻ.
Đưa chó nghiệp vụ đến hiện trường tìm kiếm nạn nhân
Cũng theo Thượng tá Học, công việc tìm kiếm được tính bằng giây, bằng phút, bởi các nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đất, đá, tính mạng của họ rất mong manh.
Ngoài ra, cảnh sát cũng gặp khó khăn trong việc xác định vị trí các nạn nhân vì họ nằm rải rác. Thậm chí, chó nghiệp vụ cũng được đưa đến hiện trường để hỗ trợ tìm vị trí nạn nhân bị mắc kẹt.
Suốt một ngày tìm kiếm, đến khoảng 17h cùng ngày, 11 thi thể nạn nhân đã được cảnh sát đưa ra khỏi hiện trường, 4 người bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.
Cũng theo Thượng tá Học, khi anh đến hiện trường, những người còn sống kể lại, trên ô tô Innova có 7 người đi ăn cưới về đến xã Yên Định, thấy xe khách gặp nạn, có vài người trên ô tô này xuống hỗ trợ cũng bị đất đá vùi lấp.
"Vụ sạt lở này thương tâm quá. Rời hiện trường tôi vẫn ám ảnh bởi những nạn nhân không may tử nạn ở nơi này. Trong số các nạn nhân, có em bé còn quá nhỏ", anh Học nói.
Vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng nêu trên xảy ra vào khoảng 4h10 ngày 13/7, tại km11 tỉnh lộ 34 đoạn qua xã Yên Định, huyện Bắc Mê.
Khi đó, ô tô khách mang biển số 29E024.xx của HTX vận tải Hồng Hạnh chạy tuyến Hà Giang đi Bảo Lâm (Cao Bằng), qua điểm sạt lở tại km11 tỉnh lộ 34 thì bị mắc kẹt.
Sau đó, một ô tô 7 chỗ khác đi đến, có 3 người xuống hỗ trợ xe khách. Đúng lúc này xảy ra sạt lở, chiếc xe khách cùng 3 người từ ô tô 7 chỗ xuống đều bị cuốn trôi.
Tuyến đường quốc lộ 34, đoạn km11 đã được lực lượng chức năng lập chốt 2 đầu, căng dây an toàn, cảnh báo khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm người và phương tiện qua lại.
Danh tính 11 nạn nhân tử vong gồm:
1. Lò Hoàng C. (6 tuổi, trú tại huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu)
2. Ma Thị H. (SN 1945, trú tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng)
3. Nguyễn Chí T. (SN 1966, ở phường Trần Phú, TP Hà Giang - lái xe 16 chỗ)
4. Bàn Văn N. (SN 1995, ở xã Kiên Đại, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)
5. Hoàng Văn K. (SN 2000, ở xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)
6. Nông Thị H. (SN 1991, ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang)
7. Nguyễn Đình T. (SN 1991, ở xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)
8. Dương Văn N. (SN 1996, ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng)
9. Hoàng Văn L. (lái xe, SN 1999, ở xã Sinh Long, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang)
10. Dương Thị X. (SN 1986, ở xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng)
11. Hoàng Xuân K. (chưa rõ địa chỉ).
4 nạn nhân may mắn sống sót sau vụ lở đất kinh hoàng, gồm: Lò Mai Phương (SN 2016, ở Lai Châu), Ma Thị Duyến (SN 1989, ở Cao Bằng), Giàng A Trần (SN 2005, ở Hà Giang), Vừ Mí Sính (SN 2005, ở Hà Giang).