Thuê máy vớt rác 20 tỷ đồng làm sạch sông ở Sài Gòn
(Dân trí) - Máy vớt rác chạy trên mặt nước có thể gom được 30 tấn trong 7 giờ. Sở Giao thông vận tải TPHCM đề xuất chi 2,5 tỷ đồng để làm sạch tuyến sông rộng khoảng 70ha trong 2 tháng cuối năm.
Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM phương án vớt, thu gom chất thải rắn bằng công nghệ mới trên tuyến sông Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương (đoạn từ sông Sài Gòn đến Khu công nghiệp Tân Bình).
Theo đó, TPHCM sẽ thuê hệ thống máy vớt rác, thu gom trong 2 tháng (11 và 12) cho tuyến sông rộng khoảng 70ha. Máy sẽ hoạt động 2 ngày 1 lần (như phương án đang thực hiện ở các tuyến kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè).
Theo Sở GTVT TP, kinh phí dự kiến thuê hệ thống máy vớt rác trong 2 tháng là hơn 2,5 tỷ đồng (áp dụng đơn giá đang thực hiện vớt lục bình, rong cỏ, rác thải trên các tuyến kênh hiện nay là 123 đồng/m2). Kinh phí trên chưa bao gồm chi phí bốc xúc, vận chuyển rác từ bãi tập kết đến nơi xử lý tập trung.
Hệ thống vớt rác gồm: tàu vớt rác bằng băng tải, tàu vớt rác bằng gàu xúc, tàu kéo, xà lan đặt tàu ngoạm, gàu ngoạm. Rác được tập kết 3 địa điểm ở quận Gò Vấp (hẻm 221 đường Phan Huy Ích, khu vực cầu An Lộc và Chợ Cầu) để chuyển đến khu xử lý tập trung của thành phố.
Sở GTVT TP cho rằng, tuyến kênh Vàm Thuật - Trường Đai - Tham Lương (qua địa bàn các quận: Bình Thạnh, Gò Vấp, 12, Tân Bình và Bình Tân) có lượng lục bình, rác thải rất lớn, thậm chí, nhiều đoạn tích tụ gây ô nhiễm môi trường, phương tiện đi lại khó khăn.
Ngày 9/10, hệ thống vớt rác nói trên được thử nghiệm trên sông Vàm Thuật (khu vực Chợ Cầu, quận Gò Vấp).
Một ca làm việc 7 giờ, hệ thống máy đã vớt, thu gom khoảng 30 tấn, cao hơn 10 tấn so với cách vớt rác đang thực hiện ở các tuyến kênh khác và nhận được nhiều phản hồi tích cực của người dân khu vực. Hệ thống máy vớt rác trên có mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng.
TPHCM đã triển khai thí điểm công tác vớt rác, rong cỏ, lục bình từ năm 2013 trên kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tuy nhiên, việc vớt rác còn hạn chế nhất định như phương tiện, thiết bị vớt rác còn thô sơ, sử dụng nhiều lao động thủ công, do đó hiệu quả và năng suất chưa cao. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ mới, hiện đại để vớt, thu gom chất thải rắn trên các tuyến sông là rất cần thiết.